CÀ MAU : PHÁT HUY THẾ MẠNH TÔM SINH THÁI

(Thủy sản Việt Nam) – Tỉnh Cà Mau có diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước, có truyền thống nuôi tôm rừng lâu nhất và hiệu quả nhất. Đây là tiềm năng to lớn để tỉnh phát triển sản xuất tôm sinh thái, trong đó tôm – rừng đang là chiến lược của tỉnh.


Nuôi tôm gắn với phát triển bền vững là mục tiêu của Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ

Khẳng định thế mạnh

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Tỷ trọng ngành nông nghiệp của Cà Mau chiếm khoảng 30% của cả nước. Trong đó, ngành tôm, có vai trò rất quan trọng đối với địa phương. Hình thức nuôi tôm tại Cà Mau rất đa dạng, với nhiều loại hình nuôi như nuôi chuyên tôm, luân canh tôm – lúa, xen canh tôm – rừng… Theo đó, những năm gần đây, tỉnh đã chú trọng quan tâm đến việc nuôi tôm – rừng đạt chất lượng chứng nhận của quốc tế cho 19.000 ha với hơn 4.200 hộ dân”.

Nói về chiến lược phát triển tôm – rừng trong thời gian tới, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Địa phương hiện đang quan tâm đến việc chứng nhận quốc tế cho vùng nuôi tôm – rừng đạt chuẩn, để tăng thêm giá trị con tôm ở Cà Mau. Có thể nói, ngành công nghiệp chế biến tôm Cà Mau đứng đầu cả nước về công nghệ thiết bị. Chế biến thành phẩm khoảng 280.000 tấn/năm. Hiện, con tôm Cà Mau đã xuất sang khoảng 80 quốc gia, vùng lãnh thổ như, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…”.

Ông Bằng nhận định rằng, hiện tôm – rừng ở Cà Mau có vai trò, vị thế khá quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, con tôm Cà Mau có chất lượng ngon nhất. Với sự nỗ lực lớn của Cà Mau, địa phương đã không ngừng nâng cao chất lượng, sản lượng tôm – rừng trong thời gian qua.

Giải pháp toàn diện

Bên cạnh những mặt tích cực, Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển tôm – rừng, do Cà Mau là tỉnh đi tiên phong, chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện Dự án Phục hồi rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm sinh thái và giảm phát thải (MAM), nhất là trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khó khăn trong việc phát triển tôm – rừng là do nguồn tôm bố mẹ không đảm bảo, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Trong khi, việc đánh bắt ngày càng hạn chế nên địa phương chưa chủ động tạo nguồn tôm bố mẹ, việc khai thác, đánh bắt không đồng bộ, khiến chất lượng con giống thiếu ổn định…

Song song đó, việc sử dụng con giống chưa đạt chất lượng, môi trường, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, triều cường làm ngập đến vùng nuôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Rào cản về kỹ thuật, thương mại cũng ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu, thiếu vốn, sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ…

“Trong thời gian tới, tỉnh cố gắng huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng ngày càng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đê bao, thủy lợi để phục vụ sản xuất. Đồng thời, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giảm giá thành sản xuất. Quản lý tốt chất lượng con giống, 100% diện tích vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tập trung, có mối liên hệ giữa doanh nghiệp đầu vào, đầu ra để bao tiêu con tôm”, ông Châu Công Bằng thông tin.

Bên cạnh đó, ông Bằng còn kiến nghị, nông dân nên tuân thủ, thực hiện đúng theo quy định về trồng và bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các bên liên quan. Các tổ chức phi chính phủ, cần tiếp tục hỗ trợ Cà Mau trong chính sách, điều kiện để phát triển con tôm, xây dựng, quảng bá thương hiệu tôm Cà Mau ra thị trường quốc tế. Cùng đó, Trung ương cần hỗ trợ sửa đổi bổ sung các chính sách, tăng cường quản lý con giống, chất lượng thức ăn, phế phẩm sinh học… sớm xem xét, phê duyệt chính sách, tạo cơ sở pháp lý để Cà Mau triển khai thực hiện dự án.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, giá trị kinh tế tự nhiên do rừng ngập mặn tạo ra thường bị xem nhẹ. Do dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn khó quy ra thành tiền, những đối tượng làm kinh tế không hiểu về sinh thái. Nếu so sánh hệ tôm sinh thái với hệ tôm thâm canh thì hệ tôm sinh thái lại phát triển độc lập, tự sản xuất ra thức ăn nên không gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Việc nuôi tôm sinh thái bền vững, nâng cao chất lượng con tôm, hướng đến thị trường cao cấp là hướng đi phù hợp của Cà Mau.

 

>> Trong 3 năm qua, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã triển khai Dự án Phục hồi rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và giảm phát thải (gọi tắt là MAM) tại Cà Mau. Dự án do Bộ Môi trường, Tài nguyên thiên nhiên Liên bang Đức tài trợ. Mục đích hỗ trợ bảo tồn rừng ngập mặn tại Cà Mau thông qua chứng nhận tôm sinh thái, mang lại giá trị tăng thêm cho con tôm đồng thời duy trì ít nhất 50% diện tích rừng ngập mặn.
 (Nguồn Thủy Sản Việt Nam)