Cá chim, bớp, mú nuôi lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu nổi lờ đờ, lở loét, bỏ ăn rồi chết, nhiều hộ nuôi thiệt hại hàng tỷ đồng.
Bè của ông Phan Quốc Toàn (39 tuổi, ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) rộng hơn 2.000 m2, nuôi cách cầu Chà Và chừng 500 m về phía cửa biển. Hồi tháng ba, ông thả 60.000 cá chim, bớp, mú giống nuôi trong hơn 40 lồng, cá phát triển bình thường. Hơn hai tuần nay, bắt đầu từ cá bớp đến giống cá khác bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước rồi “ngày nào cũng chết”.
“Tôi chạy oxy liên tục, cấp kháng sinh nhưng không có hiệu quả”, ông Toàn vớt số cá chim to hơn bàn tay người lớn vừa nói và cho biết, đến sáng 19/8, trong bè chỉ còn chừng 10.000 con còn sống, bỏ ăn, mình lở loét, lờ đờ.
“Chắc vài bữa sẽ chết hết”, ông Toàn phán đoán. Ông cho hay mọi năm cũng xảy ra tình trạng “nước xấu”, cá bỏ ăn vài ngày, “cũng có chết, song tỷ lệ không lớn như năm nay”.
Những con cá chết trương phình, bốc mùi hôi thối, ông Toàn vớt cho vào bao tải chở lên bờ vứt bỏ. Số cá “còn tươi” được các thương lái mua đưa ra chợ bán. “Trước đây cá bán 120.000-140.000 đồng mỗi kg, giờ chỉ được 20.000-40.000 đồng”, ông Toàn nói và ước tính thiệt hại đợt này gần 5 tỷ đồng.
Bảy năm nuôi cá ở tiểu khu 3, ông Nguyễn Văn Vinh (35 tuổi, ở xã Long Sơn) thả nuôi hơn 20.000 con giống và đã chết sạch. “Tôi bán đổ bán tháo chỉ thu về được 40 triệu đồng, trong khi thiệt hại gần một tỷ đồng”, ông Vinh nói và cho biết, cá chết nhiều từ ngày 15 đến 17/8.
Ghi nhận của VnExpress hôm nay, trên sông Chà Và phía hạ nguồn, cá chim chết nổi lềnh bềnh hai bên bờ, trương phình bốc mùi hôi thối. Ở bến thuyền người dân vớt cá chết còn tươi cho vào thùng ướp đá mang lên bờ bán.
Họ cho biết, mọi năm cá chết từ hướng thượng nguồn. Song năm nay các bè nuôi gần cửa biển chết trước, đang có dấu hiệu lan rộng. Những hộ nuôi chưa bị ảnh hưởng phải sục oxy suốt ngày đêm, vệ sinh lồng để bảo vệ đàn cá. “Mấy ngày nay tôi thấp thỏm, hy vọng rủi ro không xảy đến”, người đàn ông đang nuôi 100.000 con cá các loại nói.
Ông Bùi Đức Bình, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, hầu hết hộ nuôi ở tiểu khu 4 (sông Chà Và) đều bị thiệt hại nhưng chưa thống kê được. Bước đầu khảo sát 2 hộ cho thấy tỷ lệ cá chết khá nhiều, khoảng 130.000 cá chim và 15.000 cá bớp (cá giống và cá lớn từ 0,3 kg đến 5 kg, ước tính thiệt hại hơn 3,1 tỷ đồng).
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu đã lấy mẫu cá, nước tại hai hộ trên đi phân tích. Kết quả hai mẫu nước có chỉ tiêu Hydro sulfua vượt ngưỡng cho phép và mẫu cá phát hiện trùng quả dưa, vi khuẩn Vibrio spp.
Theo nhận định của Chi cục này, có thể sau những ngày mưa nhiều, nguồn nước có hiện tượng thiếu oxy cục bộ. Trong khi cá bị trùng quả dưa bám nhiều trên mang và thân làm hạn chế quá trình hô hấp. Tác nhân vi khuẩn Vibrio spp gây lở loét khiến cá bỏ ăn nhiều ngày, suy yếu và chết dần.
Cơ quan này khuyến cáo người nuôi cá cần thu hoạch cá khi đủ kích cỡ; giãn thưa lồng, mật độ; vệ sinh lưới lồng; cách ly cá yếu… để giảm thiệt hại.
Xã Long Sơn có gần 300 hộ nuôi cá, hàu ở lồng bè trên sông Chà Và, sông Dinh và sông Rạng. Tình trạng cá chết xảy ra nhiều năm gần đây. Theo chính quyền xã, tiểu khu 4 – nơi xảy ra tình trạng cá chết nhiều lần này có hơn 40 hộ nuôi.
Theo Trường Hà/ Nguồn: VnExpress