Sản xuất tôm giống chất lượng cao làm giảm EMS

Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) và tôm sú (Penaeus monodon) chết sớm trong khoảng thời gian 35 ngày sau khi thả không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh đốm trắng (WSSV), đầu vàng (YHV), hội chứng taura (TSV) hay hoại tử cơ (IMNV) được gọi là bệnh hội chứng chết sớm EMS (hiện đã được xác định là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính – AHPND – người dịch). Những dấu hiệu lâm sàng chính quan sát được của EMS là hệ gan tụy tôm có màu sắc nhợt nhạt và teo nhỏ – so với những con tôm khỏe mạnh có gan tụy lớn và sậm màu – Đôi khi tôm chết vì EMS bị mềm vỏ và cơ thịt có màu trắng đục.
EMS bắt đầu tấn công ngành nuôi tôm Trung Quốc vào năm 2009, Việt Nam năm 2010, Malaysia và Miền Đông Thái Lan năm 2011. Năm 2012, EMS phát triển ở hầu hết các vùng miền của Thái Lan. Đến thời điểm hiện nay (tháng 09/2013), EMS là nguyên nhân làm cho sản lượng tôm tại Thái Lan giảm 250.000 – 270.000 tấn, tương đương 40 – 50% so với năm trước.

EMS ĐẾN TỪ TÔM GIỐNG YẾU

Không ai có thể phủ nhận việc EMS xuất phát bởi tôm giống yếu. Khí tôm giống nhiễm khuẩn, một lượng lớn vi khuẩn có thể được quan sát thấy trong gan tụy kể từ khi chúng còn trong trại giống và trong quá trình ương trước khi chúng được đưa vào ao nuôi. Chất độc được tiết ra bởi vi khuẩn sẽ phá hủy tế bào gan tụy của tôm. Tôm con sẽ chết sớm sau khi được thả vào ao. Kiểm tra mô bệnh học của những con tôm bị chết bởi EMS cho thấy hầu hết tế bào gan tụy bị teo và gần như không có giọt mỡ trong gan tụy.

LIỆU SỰ YẾU ỚT CỦA TÔM GIỐNG CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DÒNG TÔM TĂNG TRƯỞNG NHANH?

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các trang trại nuôi, bắt đầu từ việc nuôi tôm sú cách đây 27 năm, tác giả đã lưu ý rằng càng về cuối vụ nuôi (sau 90 ngày), một lượng lớn vật chất hữu cơ tích lũy ở khu vực giữa ao. Đặc biệt đối với những ao nuôi không có hệ thống xả đáy trung tâm, vùng tích lũy chất thải chiếm diện tích lớn, oxy hòa tan ở vùng rìa khu vực này rất thấp ngay cả trong trường hợp mùa nắng với thời gian chiếu sáng cả ngày và lượng thực vật phù du đầy đủ. Sau 09 giờ đêm, lượng oxy hòa tan bắt đầu giảm dần và thấp nhất vào lúc gần sáng trước khi mặt trời mọc. Thông thường hàm lượng oxy hòa tan đạt mức thấp vào khoảng 2,5 ppm, hoặc có thể thấp hơn và chúng ta sẽ tìm thấy những con tôm chết cặp bờ ao. Những con tôm chết thường là những con tôm lớn hơn tôm có kích thước trung bình trong ao. Nếu tôm lột xác đồng loạt vào ban đêm thì phần lớn chúng sẽ chết với tình trạng mềm vỏ. Việc thiếu oxy sẽ đặt tôm nuôi vào tình trạng yếu ớt và không thể chống lại cái chết. Hiếm khi chúng ta thấy những con tôm có kích thước nhỏ chết ở bờ ao.
Ngày nay, phần lớn các trang trại nuôi tôm chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng – một loại tôm nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh. Những con tôm thẻ chân trắng trưởng thành có thể được nuôi dưỡng để trở thành tôm bố mẹ trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tháng. Mặc dù vậy, mọi nỗ lực cải thiện nòi giống tôm thẻ chân trắng đều chỉ tập trung vào việc làm sao để chúng có thể tăng trưởng nhanh hơn mà ít quan tâm đến việc cải thiện khả năng kháng bệnh của chúng – trừ những quốc gia phải đối mặt với bệnh IMNV (hoại tử cơ). Bạn có thể thấy rằng EMS ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Thailand khi mà tôm thẻ chân trắng luôn được cải thiện tốc độ tăng trưởng ngày càng tăng từ năm này qua năm khác so với tôm thẻ chân trắng nuôi ở những quốc gia khác. Nhìn vào những quốc gia phải đối mặt với EMS, chúng ta có thể thấy rằng EMS bắt đầu trở thành vấn đề lớn khi những dòng tôm với tính trạng di truyền tăng trưởng nhanh được nuôi đại trà, kèm theo đó là một lịch trình cho ăn một lượng rất lớn thức ăn ngay trong 30 ngày đầu và không chuẩn bị hệ thống xử lý nước để loại trừ các tác nhân vi khuẩn gây bệnh trước khi thả nuôi. Tôm nuôi với một lượng lớn vi khuẩn trong gan tụy sẽ trở nên yếu và nhanh chóng chết sau đó.
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ SẢN XUẤT TÔM GIỐNG (CÓ TÍNH TRẠNG DI TRUYỀN TĂNG TRƯỞNG NHANH) KHỎE MẠNH
Ngày nay, tôm bố mẹ được nuôi dưỡng đến giai đoạn hình thành trứng và tinh trùng trong hệ thống bể nuôi phòng bệnh hoàn hảo và cho ăn thức ăn tươi như mực, sò, giun nhiều tơ (sand worm và blood worm) …trong hai tuần để buồng trứng phát triển đến giai đoạn nhất định thì tiến hành cắt mắt (eyestalk ablation). Mỗi con tôm bố mẹ sẽ bị cắt một bên mắt. Một tuần sau khi cắt mắt thì tôm mẹ đã sẵn sàng sinh sản. Tôm mẹ được đưa vào chung bể với tôm đực thành thục sinh dục. Sau khi giao phối và con cái đẻ trứng, trứng cần được tách riêng để làm sạch trước khi chúng nở thành nauplius. Nauplius được nuôi ở bể ương riêng cho đến khi phát triển thành postlarvae. Ở Thailand, tôm post thường được thả được thả ở giai đoạn nhỏ nhất là PL10.
Tuy nhiên, khi có vấn đề về EMS thì phần lớn tôm mẹ đều chết vài ngày sau khi cắt mắt, đặc biệt ngay trong tháng đầu tiên. Thông thường, tôm mẹ sẽ đẻ trứng trong 07 ngày sau khi cắt mắt. Nhà sản xuất giống thường dùng lô tôm bố mẹ trong khoảng thời gian từ 3 – 4 tháng trước khi loại bỏ chúng để thay thế bằng lô tôm mẹ mới. Phương pháp này rất phổ biến ở những quốc gia sản xuất giống. Ở vài nơi, nhà sản xuất giống không áp dụng biện pháp cắt mắt khi cho sinh sản, với biện pháp này người sản xuất giống sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát và dự báo thời gian đẻ trứng của tôm mẹ và lượng trứng sinh sản cũng ít hơn, chính vì thế mà hầu hết mọi nơi đều áp dụng biện pháp cắt mắt.
Theo quan điểm của tác giả, khi quan sát những trại sản xuất giống sử dụng dòng tôm bố mẹ có sức tăng trưởng nhanh nhưng không áp dụng biện pháp cắt mắt khi cho sinh sản thì con giống thường khỏe mạnh hơn. Theo dõi Nauplius nuôi trong những bể ương đến PL 10 – 12 trong điều kiện bình thường cho thấy năng suất ổn định. Những con tôm được sinh sản từ những tôm mẹ không cắt mắt nhìn chung dễ nuôi và đạt tỷ lệ sống cao hơn những con tôm được sinh sản từ tôm mẹ cắt mắt. Và quan trọng hơn, tôm con được sinh sản từ tôm mẹ không cắt mắt thì ít nhạy cảm hơn với EMS.
Có thể việc cắt mắt dòng tôm mẹ có tính trạng di truyền tăng trưởng nhanh làm cho chúng trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với vi khuẩn gây bệnh. Tôm giống được sản xuất bằng phương pháp cắt mắt thường trở nên yếu ớt, tỷ lệ sống thấp và vi khuẩn xuất hiện nhiều trong gan tụy. Mặc khác, tôm cái không bị cắt mắt sẽ tiếp tục tăng trưởng và dần dần sản xuất được lượng trứng nhiều hơn. Thời gian sử dụng chúng cho việc sinh sản cũng kéo dài hơn so với tôm bị cắt mắt.
Vì thế, để có thể có tôm giống chất lượng cao khỏe mạnh khi cho sinh sản từ tôm mẹ có tính trạng di truyền tăng trưởng nhanh, không cắt mắt là biện pháp sinh sản được khuyến khích.

Tôm mẹ không cắt mắt
KIỂM SOÁT VI KHUẨN GÂY BỆNH NHƯ THẾ NÀO?
Kể từ sau khi Dr.Lighner dùng định đề Koch để phát hiện nguyên nhân gây ra EMS ở châu Á là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, EMS đã bùng phát tại Mexico trong thời gian gần đây. Mexico là một quốc gia cách rất xa châu Á. Điều này có thể do một vài nhà sản xuất giống đã mua tôm mẹ tại châu Á và du nhập EMS vào Mexico, hoặc cũng có thể họ đã sử dụng tôm mẹ có tính trạng di truyền lớn nhanh và tôm giống nhiễm một một lượng lớn vi khuẩn trong gan tụy, trong đó có V.parahaemolyticus, một chủng vi khuẩn rất phổ biến trong nước biển và nước lợ. Đấy là nguyên nhân làm cho tôm giống ngày càng yếu hơn và trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều với các chủng vi khuẩn gây bệnh.
Một nguyên nhân chính khác là khi tôm bị nhiễm EMS, nhà sản xuất giống và người nuôi thường dùng kháng sinh để kiểm soát vi khuẩn. Việc làm này không có ích cho ngành công nghiệp tôm. Sử dụng kháng sinh kéo dài trong quá trình sản xuất giống làm cho con giống ngày càng yếu hơn. Người nuôi tôm cũng sử dụng một biện pháp khác để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh, đó là dùng probiotic. Biện pháp dùng probiotic để khống chế vi khuẩn được ưa thích hơn biện pháp dùng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu mật độ nuôi cao, tổng lượng thức ăn sử dụng hàng ngày cũng rất cao, vì thế nếu chỉ dùng probiotic cho mục đích kháng khuẩn thì không đủ. Do đó, cần phải tăng cường tần suất thay nước, đó là cách tốt nhất để đảm bảo mật số vi khuẩn gây bệnh nằm trong vòng kiểm soát.
Mật độ ương không nên quá cao vì nó có ảnh hưởng trực tiếp tổng lượng vi khuẩn, và có liên quan đến tổng lượng cho ăn. Nếu cho ăn quá ít thì tôm sẽ ăn lẫn nhau cũng như trở nên yếu đi. Nếu lượng cho ăn quá cao thì chất lượng nước ương sẽ giảm và lượng vi khuẩn gây bệnh sẽ tăng lên. Mật độ thả ương tốt nhất nên vào khoảng 100.000 Nauplius cho một mét khối nước.
Nhiệt độ nước rất quan trọng trong sản xuất giống. Nhiệt độ phù hợp nhất vào khoảng 30 + 1 độ C. Ở nhiệt độ này Nauplius có sức ăn bình thường. Nhiệt độ thấp hơn, Nauplius ăn chậm và chậm lớn. Ngược lại, nếu nhiệt độ cao hơn, chẳng hạn như ở 33 độ C, Nauplius ăn nhiều và sẽ lớn rất nhanh nhưng chúng trở nên yếu đi, ngoài ra ở nhiệt độ cao, vi khuẩn cũng phát triển nhanh hơn và rất khó kiểm soát. Nếu như cần phải ương tôm ở nhiệt độ cao để loại trừ đốm trắng thì tốt nhất chỉ nên duy trì nhiệt độ này trong vòng 07 ngày trước khi thả chúng ra ao nuôi.
LOẠI BỎ TÔM GIỐNG YẾU ĐỂ TẠO RA ĐÀN TÔM MẠNH KHỎE
Dữ liệu cho thấy rằng tỷ lệ sống của postlarvae giảm thấp khi EMS bùng phát. Điều đó cũng cho thấy rằng khi EMS hiện diện thì có nghĩa là có rất nhiều tôm yếu hơn so với bình thường và vi khuẩn hiện diện nhiều trong gan tụy.
Phương pháp loại bỏ tôm giống yếu như sau:
Ngâm Nauplius trong formalin ở nồng độ 100 ppm trong 01 phút trước khi đưa chúng vào bể ương. Những con tôm yếu sẽ bị loại bỏ hoàn toàn và chỉ còn lại những con mạnh khỏe.
Trong suốt quá trình ương, nước cần được thay liên tục để giảm tổng lượng vi khuẩn trong bể.
Ấu trùng tôm cần được giữ trong bể ương cho đến khi chúng đạt kích cỡ PL25, bởi vì trong giai đoạn phát triển từ PL10 – 12 đến PL 25, nhiều tôm yếu sẽ chết và chỉ còn lại những con tôm khỏe mạnh.
Khi tôm đạt kích cỡ PL 10 – 12 thì chúng cần được chuyển sang hệ thống ương khác để ương chúng đến PL 25.
Điểm bất tiện của phương pháp ương nuôi đến PL 25 trước khi thả nuôi là phải vận chuyển đổi chúng sang hệ thống ương khác. Điều này có thể làm cho tỷ lệ chết cao hơn so với việc vận chuyển tôm nhỏ, do đó, phương pháp tốt nhất này chỉ nên được ứng dụng ở những trại ương gần với trang trại nuôi.
(Nguồn: www.tepbac.com)

Trả lời