Cà Mau: Huyện Thới Bình sẵn sàng cho vụ tôm mới

(Thủy sản Việt Nam) – Người dân Thới Bình hiện đang tất bật cải tạo ruộng nuôi chuẩn bị cho vụ mới. Ngành nông nghiệp huyện tích cực khuyến cáo lịch thời vụ, tập huấn kỹ thuật cho người nuôi, kết nối đơn vị cung ứng giống… Tất cả đều hy vọng một vụ mùa tôm càng xanh thắng lợi.


Nuôi tôm trên địa bàn huyện Thới Bình 

Chuẩn bị tốt kỹ thuật

2017 được đánh giá là năm thắng lợi đối với bà con nuôi tôm càng xanh trên địa bàn huyện Thới Bình do được mùa được giá. Với diện tích gần 11.000 ha (tăng hơn 4.000 ha so với năm 2016), năng suất bình quân 150 – 220 kg/ha, với giá bán dao động 110.000 – 160.000 đồng/kg (thương lái thu mua tận ruộng), các hộ dân thu về 15 – 25 triệu đồng/ha.

Từ thực tế trên, dự báo diện tích tôm càng xanh sẽ tiếp tục tăng nên sau khi kết thúc vụ nuôi năm 2017, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cho vụ mùa 2018.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, theo kế hoạch, diện tích thả nuôi tôm càng xanh năm 2018 khoảng 14.000 ha (tăng hơn 3.000 ha so với năm 2017) tập trung chủ yếu tại các xã Tân Bằng, Biển Bạch, Biển Bạch Đông và Trí Lực. Song song với công tác khuyến cáo lịch thời vụ, đơn vị đã phối hợp với Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên nền đất lúa cho hơn 200 nông dân, nhằm hỗ trợ người nuôi kỹ thuật rửa mặn, chuẩn bị ruộng nuôi cũng như hướng dẫn quy trình nuôi hai giai đoạn.

Ông Lê Hoàng Khải (ngụ ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch), đã có thâm niên nuôi tôm càng xanh 3 năm nay, cho biết: “Sau khi thu hoạch xong 1 ha nuôi tôm sú thì tôi đã tháo cạn nước để thuốc cá, gia cố bờ ruộng, sên vét lớp bùn ở mương bao và hứng nước mưa để rửa mặn nhiều lần, khi độ mặn giảm còn 6 – 7‰ sẽ thả giống”. Cũng theo ông Khải, so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì tôm càng xanh tương đối dễ nuôi, mau lớn và ít bị dịch bệnh, tuy nhiên, nếu khâu rửa mặn và diệt tạp chưa tốt sẽ khiến cho tôm giống bị hao hụt khi thả, từ đó, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi.

Chủ động nguồn giống

Nhận định từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 là thời điểm nông dân tiến hành thả tôm càng xanh đồng loạt do đây là lúc mưa nhiều, độ mặn giảm, nên ngay đầu tháng 3, ngành nông nghiệp huyện Thới Bình đã chủ động kết nối các đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh uy tín trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ người nuôi tiếp cận được nguồn giống chất lượng. Đến nay, đã có 2 đơn vị tham gia cung ứng giống tôm càng xanh toàn đực và 4 đơn vị cung ứng giống tôm càng xanh hỗn hợp giới tính, khả năng đáp ứng 30 – 40% nhu cầu nuôi trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai dự án “Hỗ trợ phát triển nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa” tại các xã Biển Bạch, Trí Phải, Tân Phú, Hồ Thị Kỷ, Tân Lộc Đông và Thới Bình với quy mô 309 ha. Dự án sẽ cung cấp cho nông dân 3 triệu con tôm giống, trong đó Nhà nước hỗ trợ 1,5 triệu con, còn lại do hộ dân đối ứng. Nguồn giống tôm càng xanh toàn đực trong dự án do Trung tâm Giống thủy sản An Giang cung cấp.

“Giống tôm càng xanh toàn đực được nhiều bà con ở các vùng tôm – lúa lựa chọn do đặc tính phát triển tốt, tăng trọng nhanh, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ sống cao và kích cỡ lớn hơn so tôm càng xanh thường. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực xây dựng kế hoạch cung ứng, trước mắt đảm bảo người nuôi được tiếp cận nguồn giống chất lượng. Về lâu dài sẽ khuyến khích các đơn vị này tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm càng xanh trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Hoàng Lâm thông tin thêm.

 

>> Hiện nay, hầu hết nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình đã thực hiện xong việc cải tạo ruộng nuôi từ việc tháo cạn nước, diệt tạp cũng như tiến hành hứng nước mưa để chuẩn bị cho việc thả giống.
(Nguồn Thủy Sản Việt Nam)