KỸ THUẬT LAB: CHUẨN ĐOÁN BỆNH TÔM

(Lưu ý: đây là các phương pháp chuẩn đoán nhanh, không chính quy, độ chính xác không cao, chỉ ứng dụng tức thời nhằm đưa ra hướng xử lý ban đầu cho tình trạng bệnh tôm tại ao nuôi.)

 

1. Sơ lược về bệnh

Bệnh là hiện tượng rối loạn trạng thái sống bình thường của cơ thể khi có nguyên nhân gây bệnh tác động.

Các nguyên nhân sinh học gây bệnh cho tôm bao gồm:

  • Virus.
  • Rickettsia hoặc Clamydia.
  • Vi khuẩn gram âm (-).
  • Vi khuẩn gram dương (+).
  • Nấm.
  • Protozoa.

Bệnh tôm chia làm 2 loại biểu hiện:

Bệnh cấp tính: tôm có màu sắc và thể trọng không khác bình thường, thường có dấu hiệu bệnh đặc trưng. Tôm bệnh cấp tính có thể chết ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh, tỉ lệ chết tăng lên rất nhanh, trong thời gian ngắn đạt đến đỉnh cao nhất (2 – 5 ngày). Ví dụ bệnh đốm trắng do virus WSSV, bệnh đầu vàng do virus YHV,…

Bệnh mãn tính: tôm thường có màu sắc hơi tối đen, thể trạng gầy yếu, bơi tách đàn lên mặt nước hoặc bờ ao, chậm lớn, chết từ từ (có thể kéo dài 2 – 3 tuần hay 1 – 2 tháng). Ví dụ đốm đen, bệnh còi MBV, nhiễm nấm,…

 

2. Phương pháp lấy mẫu

Gồm có phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên và chọn lọc.

Lấy mẫu ngẫu nhiên: dùng khi kiểm tra lấy mẫu tôm kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Bảng: Cỡ mẫu dựa trên tỉ lệ cảm nhiễm mầm bệnh trong quần thể:

Cỡ mẫu phụ thuộc vào tỷ lệ dự kiến tối đa của bệnh ở mức độ tin cậy 95% của tổng số tôm trong ao.

Khi lấy mẫu kiểm tra bệnh ở tôm giống nên ước lượng dựa trên tỉ lệ nhiễm 1 – 2%. Tôm giống nên được lấy từ 5 điểm đại diện xung quanh bể ương.

Kiểm tra bệnh ở tôm bố mẹ cần thiết kiểm tra tất cả tôm hoặc ước lượng dựa trên tỉ lệ nhiễm bệnh 5%.

Tôm nhỏ cần dựa trên tỉ lệ nhiễm bệnh ước lượng 2 – 10%.

Ví dụ: nếu ước lượng tỉ lệ nhiễm bệnh là 2%. Nếu chuẩn đoán dương tính, nghĩa là ≥ 2% mẫu tôm bị nhiễm bệnh. Nếu kết quả chuẩn đoán âm tính, nghĩa là ít hơn 2% mẫu tôm bị nhiễm bệnh hoặc tôm không nhiễm bệnh.

 

Lấy mẫu không ngẫu nhiên: dùng khi lấy mẫu tôm bệnh, khi biểu hiện tổng thể của bệnh dễ quan sát và dễ ước lượng tỉ lệ nhiễm bệnh.

Dùng chài đánh giá tỉ lệ và thu mẫu tôm bệnh như sau:

  • Chài 4 – 5 chài quanh ao.
  • Đếm số tôm khoẻ và số tôm biểu hiện bệnh.
  • Tính tỉ lệ tôm bệnh tôm khỏe dựa trên số liệu đếm.

Kết luận: giả sự tỉ lệ tôm trong chài có thể đại diện cho tình trạng tôm ngoài ao từ đó đưa ra tỉ lệ nhiễm bệnh trong ao.

Lấy 10 tôm về phòng thì nghiệm kiểm tra dưới kính hiển vi.

 

Lưu ý quan trọng:

  • Lấy từ 5 – 10 mẫu để kiệm tra bệnh.
  • Mẫu kiểm tra nên là mẫu có dấu hiệu lâm sàng điển hình. Nếu điều này khó thực hiện thì phải kiểm tra xem các cá thể được lấy mẫu theo cách nào.
  • Ví dụ: ao có 5000 tôm. Tỉ lệ chết là 2%/ngày (hay chết 100 con/ngày) và tôm hấp hối biểu hiện các dấu hiệu lâm sàng phổ biến.
  • Nếu lấy 10 mẫu tôm có dấu hiệu bệnh rõ ràng đem kiểm tra và thấy có 2 mẫu có kết quả bất thường thì ta KHÔNG THỂ kết luận rằng tôm chết là do căn bệnh đã gây ra sự biến đổi mô bệnh học đó. Bởi vì tất cả cá thể nhiễm bệnh đã hiện diện dấu hiệu bệnh điển hình nên nguyên nhân gây thương tổn phải được tìm thấy trên hầu hết các mẫu.
  • Mặc khác, trong những trường hợp không thể lấy mẫu biểu hiện dấu hiệu bệnh điển hình, nên lấy mẫu ngẫu nhiên. Nếu phát hiện thấy 2/10 mẫu kiểm tra có thương tổn (20%) thì đủ để kết luận tỉ lệ chết 2%/ngày có liên quan trực tiếp đến thương tổn đó.
  • Mẫu kiểm tra bệnh phải còn sống vì thủy sinh vật và động vật thủy sản sau khi chết 30 phút đã không còn thích hợp để làm mô bệnh học, kiểm tra bệnh.

 

4. Phương pháp kiểm tra nhanh bệnh tôm

Kiểm tra tôm giống

Kiểm tra sức khỏe tôm giống dựa vào 9 chỉ tiêu quan sát dưới kính hiển vi.

 

Kiểm tra tôm nuôi

Chài mẫu.

Đánh giá tỉ lệ biểu hiện bệnh trên tôm ngay khi chài thu mẫu.

Chài mẫu là cách khá chính xác trong kiểm tra tình trạng tôm nuôi

Các đặc điểm bên ngoài cần đánh giá:

  • Kích cỡ tôm: đánh giá độ đồng đều, mức độ phát triển của đàn tôm theo ngày tuổi từ đó đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của tôm. Nếu tôm quá nhỏ so với bình thường có thể đưa ra các giả định tôm bị nhiễm các bệnh gây chậm lớn. Nếu tôm lệch cỡ nhiều, có thể đưa ra giả thuyết tôm thiếu dinh dưỡng (thiếu khoáng hoặc thiếu ăn) hoặc nhiễm các bệnh gây lệch cỡ.
  • Màu sắc vỏ tôm: màu tôm bình thường hay khác thường; tình trạng các hạt sắc tố trên vỏ tôm. Có thể xem thêm về thay đổi màu sắc ở tôm nuôi nhằm đưa ra đánh giá sơ bộ.
  • Tình trạng vỏ ngoài: tình trạng trơn láng hay lồi lõm của vỏ cho biết sơ lược về trạng thái dinh dưỡng của tôm. Tôm đủ dinh dưỡng có vỏ bóng, khá dày chắc trong khi tôm bệnh vỏ thường lồi lõm.

Ngoài ra, vỏ rất mỏng do/hoặc không do lột xác không cứng vỏ thường cho thấy môi trường nước xấu và tôm sốc rất nặng. Nếu trong chày có số lượng tôm mỏng vỏ nhiều hơn 5% thì cần đặc biệt lưu ý.

  • Hình dạng bất thường: tình trạng dị hình (do các bệnh hay gặp như ASDD hoặc IHHNV), gãy gai chủy, đứt râu, mòn cụt chân bơi, chân bò, chóp đuôi (do đáy ao dơ); vỏ có các chấm đốm đen, đốm nâu, đốm trắng (do nhiễm khuẩn hoặc do bệnh taura)
  • Đục cơ: tỉ lệ tôm đục cơ/chài; các kiểu đục cơ (đục thành điểm, vệt hay đục nguyên thân tôm) luôn là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe không tốt trên tôm.

Tôm có các triệu chứng bệnh do EHP

  • Mang: mang bình thường có màu trắng trong suốt. Mang đổi màu sang vàng, nâu hay đen thường do đáy ao dơ, chất hữu cơ trong nước nhiều. Ngoài ra, các vùng trắng như tuyết trên mang có thể là mang bị hoại tử do bão hòa khí trong nước.

Xem thêm Bệnh đen mang

  • Hệ thống tiêu hóa:

Hình dạng và màu sắc gan tụy: gan tụy bình thường có màu từ vàng cam tới nâu. Khi tôm sắp lột, gan tụy có thể có màu vàng sáng hơn và kích thướt to.

Dạ dày (hạt gạo): dạ dày tôm bình thường vừa chày lên hầu như luôn có thức ăn. Dạ dày trống là tình trạng bệnh lý.

Ruột tôm: luôn luôn có thức ăn. Tùy theo thời gian ăn, loại thức ăn mà ruột có màu sắc khác nhau. Ruột trống, lỏng, chứa dịch là tình trạng bệnh lý.

Các dấu hiệu trên tôm bệnh

 

Quan sát nhanh dưới kính hiển vi:

Kiểm tra mang:

  • Loại bỏ vỏ giáp che phủ mang.
  • Dùng pen gắp lá mang để lên lame có sẵn một giọt nước mặn sạch.
  • Đậy lên trên bằng một miếng lame hoặc lamel, ép nhẹ cho lá mang phẳng và mỏng ra.
  • Soi tươi dưới kính hiển vi X10 – x40.
  • Kiểm tra kí sinh, ngoại sinh vệt bám
  • Hoặc có thể nhuộm mô mang và kiểm tra các bệnh.

Mang tôm khỏe, trong suốt

Mang tôm bị vàng, đục

Kiểm tra gan tụy:

  • Lấy gan tụy đặt trên một lame sạch.
  • Dùng dao phẫu thuật cắt gan làm hai phần theo đường rãnh ở giữa (nếu gan tụy của tôm nhỏ có thể không cần cắt).
  • Đậy lên trên bằng một miếng lame hoặc lamel, ép nhẹ cho miếng gan tụy phẳng và mỏng ra. Lưu ý rằng thao tác làm mẫu và quan sát gan tụy cần nhanh, tránh tình trạng tự phân hủy của gan tụy làm biến đổi nhận dạng.

Ép gan tụy tôm trong phương pháp quan sát nhanh dưới kính hiển vi

  • Kiểm tra màu sắc dịch gan, điểm hoặc vệt melanize (màu đen) trên gan, tình trạng các ống gan tụy, tình trạng ống lượn và các tế bàn gan tụy.
  • Nếu nghi ngờ tôm nhiễm các bệnh như BP (Baculovirus penaei type viruses), MBV (Penaeus monodon-type baculoviruses), hay BMN (baculoviral midgut gland necrosis type viruses) thì dùng kẹp lấy ra một vài ống gan tụy và đặt trong một giọt nước biển sạch trên lame. Nhỏ thêm 1 giọt malachite green 0,01%, đậy lamel và ép mỏng mẫu gan tụy, kiểm tra liên tục nhiều lần trong vòng 5 phút để xác định các thể ẩn baculovirus hoặc nhân tế bào gan tụy trương to. BP và MBV bắt màu xanh lá của thuốc nhuộm rất nhanh, những phần khác (như nhân tế bào bình thường, giọt dầu) không bắt màu.

Gan tụy tôm hóa đen do melanize hóa

Gan tụy teo hoàn toàn, xuất hiện nhiều dãy melanin


Gan tôm khỏe soi dưới kính hiển vi

 

Kiểm tra ruột giữa:

  • Lấy ruột giữa để lên lame.
  • Ép lấy các chất trong ruột giữa, thêm một giọt nước biển vào phần chất vừa lấy ra và kiểm tra:
  • Thể dinh dưỡng hoặc bào tử của gregarin
  • Thể vùi của baculovirus (MBV or BP)

Ngoài ra có một cách khác để kiểm tra tình trạng ruột giữa như sau: để tôm đi sạch phân trong ruột, cắt đứt phần vỏ trên lưng tôm, dùng dao phẫu thuật cắt phần cơ cho phủ ruột và nhẹ nhàng lấy ruột ra đặt trên lame. Thêm lên trên một ít nước, ép bằng lame và quan sát dưới kình hiển vi kiểm tra kết cấu ruột.

Thành ruột hoại tử, chảy mất cấu trúc (mũi tên đen) do ngộ độc tảo lam đáy. Nhìn thấy các sợi tảo lam nằm trong ruột tôm (mũi tên đỏ)

 

Kiểm tra phụ bộ:

  • Phụ bộ thường được dùng để kiểm tra tình trạng lột xác, ngoại sinh vật bám, tình trạng nhiễm khuẩn trên tôm nuôi.

Chuẩn bị mẫu chân bơi, chóp đuôi và vỏ ngoài soi dưới kính hiển vi kiểm tra ngoại kí sinh và tình trạng lột xác

Có thể xem thêm về bệnh tôm do ngoại sinh vật bám.

Có thể xem thêm về sinh lý lột xác của tôm.

Tôm ở giai đoạn D – trước lột xác và bị nhiễm khuẩn (đốm đen)

Lưu ý rằng các kiểm tra dấu hiệu bệnh thực hiện trên tôm chỉ là một trong 3 phần quan trọng của việc đưa ra hướng xử lý tình trạng ao nuôi. 2 phần còn lại là kiểm tra các thông số chất lượng nước và lịch sử ao nuôi.

 

5. Đánh giá mức độ bệnh

 

 

Ngày 15/03/2017

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết này tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau và có thể thay đổi trong tương lai khi các nguồn thông tin thay đổi. Nội dung chi tiết vui lòng xem trong tài liệu tham khảo. Xin cảm ơn.

Tài liệu tham khảo:

Theo: nghetomtep.com