Xây Dựng Và Quản Lý Ao Nuôi Trên Vùng Đất Phèn

Theo thông tin nghiên cứu, Việt Nam có 1,8 triệu ha đất phèn, chiếm 5,5% tổng diện tích đất đai toàn quốc. Đất phèn tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cữu Long (ĐBSCL), chiểm 1,6 triệu ha. Có thể thấy, hầu như đất nuôi tôm ở ĐBSCL là đất phèn hoặc nhiễm phèn mặn.

Bản đồ phân bố các nhóm đất ở ĐBSCL.

1. Tính chất của đất phèn:

  • pH thấp
  • Hàm lượng kim loại nặng cao (nhôm, sắt)
  • Nồng độ H2S cao
  • Độ mặn cao
  • Khó giữ nước
  • Đất không có cấu trúc, chịu cơ giới kém

2. Xây dựng ao nuôi trên vùng đất phèn đối mặt với các vấn đề:

Đối với nước nuôi:

  • Bờ ao đắp bằng đất phèn tiềm năng, khi gặp mưa lớn sẽ tạo ra axit và chảy xuống ao hoặc hòa tan trực tiếp từ đất vào nước ao.
  • Khi mực nước trong ao thấp hơn mực nước khu vực xung quanh, nước ngầm chứa axit từ xung quanh sẽ chảy vào ao (hiện tượng xì phèn).
  • Khi phơi ao, nguyên liệu tạo phèn (pyrite) trong đáy ao và bờ ao bị oxy hóa sinh ra axit. Khi lấy nước tiếp tục vụ nuôi mới, axit sẽ hòa tan vào nước lấy vào.
  •  Ao thường trong do nước chứa nhiều nhôm, điều này có thể làm tăng nhiệt độ nước.
  • Khi phơi ao, đất đáy ao, bờ ao co lại nhưng không hồi phục lại khi lấy nước vào gây ra rò rỉ, xói mòn.
  • Axit chảy ra từ các ao bị phèn có thể gây hại cho nguồn nước và môi trường xung quanh, gây nhiễm phèn nguồn nước ngầm, gây chết các thủy sinh vật có mang, thay đổi thành phần vi tảo, mất môi trường sống.

Ảnh hưởng của ao nhiễm phèn đến sức khỏe tôm:

  • pH giảm thấp đột ngột do xì phèn sẽ làm chết lượng lớn tôm nuôi. Các kim loại nặng (nhôm, sắt) và axit trong nước phèn làm chảy mang, tăng tiết chất nhày trên mang, giảm pH máu kết quả làm cho tôm không lấy được oxy và không thể điều hòa áp xuất thẩm thấu.
  • Trong tình huống không quá nặng, nước chứa axit do phèn gây nên hiện tượng mền vỏ hay không lột xác ở tôm. Nguyên nhân có thể do mất canxi vỏ và mất kiềm trong nước khi trung hòa axit.
  • Làm tôm chậm lớn.
  • Nước trong do phèn có thể làm tôm nuôi bị căng thẳng (stress), không thể xuống đáy sau khi thả và dễ nhiễm bệnh.


Tôm trong ao nhiễm phèn bị chậm lớn, nước trong

Ảnh hưởng của ao nhiễm phèn đến các sinh vật khác:

  • Nước phèn chứa nhiều nhôm làm kết tủa phosphate, gây mất cân bằng tỉ lệ N:P dẫn đến ức chế tăng trưởng của tảo có lợi.
  • Trong ao bị phèn, hàm lượng chất hữu cơ trong nước và đáy ao thấp làm hạn chế sự phát triển ban đầu của lợi khuẩn, hay ao phèn không có hệ lợi khuẩn phù hợp cho phân hủy chất hữu cơ. Khi chất hữu cơ trong ao tăng lên (như thức ăn thừa) sẽ dễ hình thành khu vực phân hủy yếm khí tạo ra H2S.
  • Khi mưa lớn tại những ao có bờ làm bằng đất phèn, nước chứa nhôm từ bờ chảy vào ao kết hợp với phosphate trong nước sa lắng xuống đáy làm mất nguồn dinh dưỡng của tảo hiện tại, gây biến đổi hệ tảo sau khi mưa.
  • Axit liên tục rỉ ra từ đất đáy và bờ ao làm kiềm giảm thấp trong suốt quá trình nuôi.
  • Từ các tác động trên, năng suất nuôi sẽ giảm, tôm dễ bệnh. Việc xây dựng và quản lý ao nuôi trên vùng đất phèn cần được chú ý cẩn thận.

 3. Xây dựng ao nuôi trên vùng đất phèn:

Cần thực hiện các bước sau trước khi xây dựng ao trên vùng đất phèn:

  • Đánh giá đất.
  • Đưa ra tiêu chuẩn xây dựng ao.
  • Đưa ra phương pháp xử lý ban đầu
  • Đưa ra phương pháp quản lý ao nuôi thích hợp.

Đánh giá đất:

Vùng triều và vùng rừng ngập mặn thường là đất phèn tiềm tàng.  Khoảng giữa mức triều cao trung bình và thấp trung bình rất thuận lợi cho sự hình thành pyrite. Rất ít pyrite ở vùng phía dưới mức triều thấp và vùng phía trên mức triều cao.

Nhận biết đất phèn hoạt động dễ hơn so với đất phèn tiềm tàng. Có thể dựa vào:

  • Hoặc bằng cách ủ mẫu đất ẩm trong túi nhựa mỏng trong 30 ngày và xác định tỉ lệ oxy hóa. Các túi nhựa cho phép quá trình oxy hóa pyrite xảy ra trong khi duy trì độ ẩm của đất. Nếu đất khô nhanh chóng, vi khuẩn bất hoạt, quá trình oxy hóa diễn ra chậm, nghĩa là cần mất nhiều tháng để đất đạt độ chua cao nhất. Nếu đất ẩm lâu trong điều kiện hiếu khí, vi khuẩn oxy hóa sắt hoạt động mạnh, đất chua trong vòng vài tuần. Độ pH của các mẫu đất phèn tiềng tàng giảm đến 4 hoặc ít hơn trong thời gian thí nghiệm. Màu vàng jarosite xuất hiện trên mẫu đất.
  • Hoặc dùng phương pháp phẫu diện đất: đào hố đất sâu từ 1 – 1,2m, xác định màu sắc, độ sâu từng tầng đất và đo pH theo tầng. Thông thường, tầng trên cùng là tầng chất hữu cơ, có thể quan sát thấy dấu vết rễ cây hoặc lá mục. Tầng phèn hoạt động jarosite chức các cụm hoặc dãy có màu vàng chanh. Có thể dùng dụng cụ lấy phẫu diện đất.

Độ sâu xuất hiện tầng phèn hoạt động phụ thuộc vào chế độ rút nước và thoáng khí trong phẫu diện

Lấy mẫu phẫu diện và đo pH đất

 Xây dựng ao:

Những ao đầu tiên tại vùng đất phèn nên nhấn mạnh vị trí gần rừng ngập mặn, sử dụng máy bơm để trao đổi nước và hạn chế tối đa việc đào xới đất khi đưa ra quyết định xây dựng ao.

Ở những ao cũ nên xem xét lại sự phân bố của tầng sinh phèn (pyrite) và tầng phèn (jarosite) trước khi tái xây dựng.

Phương pháp hạn chế ảnh hưởng của phèn khi xây dựng ao như sau:

  • Lót bạt bờ và đáy ao: lót bạt bờ và bạt đáy có hiệu quả khá tốt trong việc hạn chế nước chứa axit chảy vào ao nhưng chi phí xây dựng và bảo trì khá cao. Thêm nữa, ao lót bạt toàn ao thường dẫn đến nhiều vấn đề trong khi nuôi nhưng phải thực hiện tại những ao xây dựng trong tầng phèn hoạt động. Phủ bạt bờ thường được áp dụng, nhất là trong những ao nổi.

Lưu ý: hai ao nuôi cạnh nhau cùng phủ bạt bờ đắp gờ bạt cao có thể tạo thành “kênh chứa nước” khi mưa xuống. Nước có thể thấm xuống bờ, tích lũy phía dưới lớp bạt. Trong trường hợp này nên đào kênh dẫn nước ra ngoài, tốt nhất là không nên để tình trạng này xảy ra.

“Kênh chứa nước” giữa hai ao lót bạt bờ…

… và sự rò rỉ nước từ bờ

  • Xây ao nổi: vùng đất có tầng phèn hoạt động nằm nông nên xây ao nổi để hạn chế ảnh hưởng của phèn. Trong nhiều trường hợp, 20 – 30 cm đất mặt có thể dùng làm bờ ao cho dù lớp đất phía dưới rất chua.  Ao nổi có đáy ao cao hơn mặt nước ngầm xung quanh từ đó hạn chế được nước từ xung quanh chảy vào ao.
  • Khi xây ao nhỏ sẽ tăng diện tích bờ ao/ thể tích nước. Ví như tỉ lệ giữa diện tích bờ/ thể tích nước của ao 2000m2 sẽ lớn hơn tỉ lệ ở ao 5000m2. Khi gặp mưa lớn, nước từ bờ chảy xuống ao có tỉ lệ diện tích bờ/thể tích nước lớn sẽ nhiều hơn, làm lượng axit xuống ao nhiều hơn, gây biến động nước nhiều hơn. Điều này có thể không xảy ra trong ao lót bạt bờ nhưng vẫn nên lưu ý trong ao không lót bạt đáy.

 

Phương pháp xử lý ao ban đầu:

Những đề nghị sau đây dành cho ao mới xây dựng xây dựng trên vùng đất phèn, bị nhiễm phèn và chỉ phủ bạt bờ. Những ao phủ bạt hoàn toàn sẽ có cách quản lý khác.

Vào đầu mùa khô, ao nên được chuẩn bị để loại bỏ axit. Phơi khô ao hoàn toàn trong khoảng 1 tuần (xuất hiện vết nứt sâu khoảng 10cm). Tiến hành cày xới đáy ao (bằng máy xới) theo 2 đường ngang và dọc làm cho đất mặt ao thành những khối nhỏ. Nếu trời không mưa, toàn thời gian phơi ao từ 2 – 3 tuần. Lúc này axit trong lớp đất khô đã sẵn sàng để loại bỏ.

Lấy nước mặn hoặc lợ vào ao, đo pH nước ngay sau khi lấy và sau mỗi vài giờ. pH sẽ giảm xuống rất nhanh từ 7 – 9 (nước mặn) xuống thấp hơn 4 (nước hòa tan axit). Khi pH trong nước không còn thay đổi thì xả nước ra khỏi ao.

Tái lấy nước và kiểm tra pH. Xả nước càng sớm càng tốt khi pH không đổi. Tiếp tục lấy và xả nước khi pH đo được ≤ 4.

Khi pH đo được cao hơn (sau khoảng 4 – 6 lần lấy – xả nước) thì xả nước và tiến hành phơi ao đến khô hoàn toàn như lúc đầu. Sau khi đáy ao khô, cày đáy và lấy nước vào như trên. Lần này, độ pH nước lấy vào có thể không giảm quá thấp như lần lấy nước đầu.

Khi pH nước lấy vào trên 5 sau 1 – 3 chu kỳ phơi đáy – cày xới – lấy nước – xả nước thì bón 500kg vôi NÔNG NGHIỆP/ ha (không dùng vôi CaO hoặc Ca(OH)2), đều khắp mặt ao, không ép vôi vào đất.

Đối với bờ ao: đào một kênh nhỏ giữa bờ và bơm nước mặn vào. Vì bờ khá khô nên chỉ cần cấp – xả nước một lần như đối với ao thì đã loại hết axit. Đồng thời nên kiểm tra các lỗ rò rỉ trong khi xả axit bờ ao. Quá trình này phải hoàn thành khi pH nước ao đạt yêu cầu.

 

Quản lý ao xây dựng trên vùng đất phèn:

(I) Sau khi xử lý ổn định bề mặt đáy ao, các lần cải tạo tiếp theo không được phơi ao khô vì sẽ làm phèn hóa tầng đáy được cải tạo do cơ chế sau:

  • Lớp nước ngập trên đất phèn thường rất chua, pH khoảng 3,5.
  • Khi phơi ao nứt nẻ, oxy khuếch tán vào trong đất qua những chỗ nứt, oxy hóa pyrite tại vài độ sâu trong đất, tạo thành sắt 3 (Fe(III)) hoặc oxyt Fe (III). Chúng di chuyển về phía tầng mặt và làm hình thành các loại muối chua.
  • Sự hòa tan các muối này khi ngập nước sẽ sinh ra axit. Ở pH thấp, vài Fe3+ còn lại trong dung dịch bị khử để thành Fe2+ giải phóng nhiều axít hơn.
  • Sắt bị oxy hóa tại vùng giáp ranh của đất và nước sẽ phóng axit vào trong nước. Ngoài ra, FeSO4 hình thành ban đầu sẽ khuếch tán vào nước hoặc mao dẫn lên mặt đất và tiếp giáp với nước có oxy, sẽ oxy hóa thành Fe(OH)3 làm cho nước có màu nâu đỏ và cho ra H2SO4 tan ngay vào nước làm nước bị chua nhưng đất lại bớt chua.

Như vậy nước trong ao bị nhiễm phèn do 3 nguồn gốc:

  • Lượng axit tự do sinh ra từ sự oxy hóa pyrite trong mùa khô.
  • Lượng nước phèn sinh ra từ sự hòa tan Al2(SO4)3 kết tinh trên mặt đất vào mùa khô.
  • Lượng FeSO4 di động từ trong đất lên đáy kênh, khuếch tán vào trong nước kênh.

Phơi ao quá khô gây mao dẫn phèn lên mặt ao

(II) Hạn chế phèn hình thành trong ao bằng cách:

  • Ép phèn: đào mương ép phèn bên ngoài ao. Mương ép phèn có độ sâu tùy theo độ sâu của tầng pyrite (hay tầng phèn tiềm năng) và tầng jarosite (hay tầng phèn hoạt động) và sâu hơn đáy ao nuôi. Tùy theo độ lớn của bờ, mức rò rỉ nước của đáy ao mà lượng nước từ ao bị ép ra nhiều hay ít nên cần lưu ý bổ sung nước khi nuôi.

Kênh xả phèn

  • Xả phèn bằng nước biển:

Vì nhiều lí do mà đáy ao đã rửa phèn tái nhiễm phèn hoặc trong những ao nhiễm phèn nhẹ có thể xả phèn như sau: lấy nước vào ao đến mức nước nuôi, ngâm qua đêm và đo pH nước. Thực hiện quá trình này cho đến khi pH nước ngâm >7, sau đó xả nước và bón vôi đáy ao nhằm trung hòa axit còn lại. Nếu pH nước lấy vào > 8 thì không cần bón vôi cho mục đích này. Ngoài ra, hi kết thúc vụ nuôi cần nhanh chóng loại bỏ chất thải và lấy nước mặn vào ngâm ao.

Ngâm xả nước mặn là cần thiết trong ao nhiễm phèn

(III) Bón vôi:

Trước khi bón vôi nên xác định pH đất đáy ao. Tiến hành như sau:

  • Lấy 1 – 2 mẫu đất (10 – 20g)/1000m2 đất ao. Mẫu đất lấy dưới mặt đáy ao 5cm.
  • Trộn các mẫu đất lại với nhau, phơi khô trong không khí.
  • Nghiền mẫu đất thành bột mịn, sàng qua lưới 0,85mm.
  • Cho đất và nước cất với lượng như nhau vào cốc thủy tinh, khuấy tan. Để lắng, sau đó đo pH của dung dịch bằng test KIT hoặc giấy quỳ. So sánh màu đo được với thang pH nhằm xác định pH đất.

Lượng vôi bón căn cứ trên pH đất đo được như sau:

(Quản lý sức khỏe tôm trong ao nuôi – ĐH Cần Thơ giới thiệu)

Quản lý ao nuôi trên vùng đất phèn:

  • Ao liên tục bị xì phèn qua nhiều vụ nuôi nên xem xét việc phủ đáy bằng lớp đất mặt không hoặc ít phèn. Nếu có điều kiện, có thể đào mương xả phèn xung quanh ao, nhằm ép phèn từ trong ao ra ngoài.
  • Luôn dùng máy bơm bơm lượng nước bị hao hụt do bốc hơi. Luôn đảm bảo rằng mức nước trong ao ổn định, tránh axit từ các khe đất chảy ra ao nuôi khi nước giảm xuống.
  • Trồng cây cỏ trên bờ nhằm giảm xói mòn và cây hấp thu sắt. Những ao lót bạt không cần làm điều này.
  • Không cho ăn dư và không được đào đường cho ăn vì khi thức ăn bị thừa đọng trong ao sẽ dễ xuất hiện khí độc H2S như đã nói ở trên.
  • Thay, cấp nước thường xuyên nhằm đảm bảo độ kiềm ở mức ổn định, loại thải bớt độc tố và duy trì mức nước.

 

Xem ” Nhận biết đất phèn”: Tại đây.

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết này lấy thông tin từ các nguồn khác nhau. Nội dụng chi tiết vui lòng nhấn vào chữ có gạch chân (U) đường liên kết đến các nguồn dữ liệu tổng hợp bài viết. Xin cảm ơn.

Tài liệu tham khảo:

  • http://aciar.gov.au/files/node/2196/pr90chapter19.pdf
  • http://www.fao.org/docrep/005/R5676E/R5676E00.htm#TOC
  • http://www.fao.org/docrep/x5744e/x5744e0a.htm
  • https://lacoast.gov/new/Ed/Articles/BrownMarsh.aspx

(Nguồn: nghetomtep.com)