Xử lý nitrit – NO2 trong nước

1. Nguồn gốc nitrit (NO2) trong nước nuôi

Nitrit trong ao nuôi bắt nguồn từ:

  • Từ NH4 + /NH3 qua giai đoạn 1 của quá trình nitrat hóa chuyển sang NO2 hoặc do nguồn NO2 có sẵn trong nước giếng, nước cấp.
  • Bài tiết của vật nuôi: khi hàm lượng NH3 trong môi trường cao tôm sẽ tăng bài tiết nitrit. Giả thuyết rằng NH3 trong máu sẽ chuyển thành NO2 bên trong cơ thể tôm và kết hợp với hemocyanin sau đó loại ra ngoài dưới điều kiện NH3 trong nước cao.

Trong ao đang nuôi, khi nitrit đã xuất hiện sẽ không thể mất đi do:

  • Thường không đủ lượng oxy cần thiết để chuyển nitrit sang nitrat;
  • Do NH4 + /NH3 liên tục được bổ sung từ thức ăn và chất thải của tôm, tiếp theo là quá trình nitrat hóa tạo thành nitrit.

Lượng nitrit ban đầu có từ nước cấp có thể mất đi trong ao do các quá trình chuyển hóa nhưng chỉ có thể xảy ra vào thời gian đầu của chu kỳ nuôi khi lượng thức ăn sử dụng và lượng chất thải của tôm còn ít.

Hình 1: Sơ đồ quá trình nitrat hóa

2. Tác hại cuả nitrit

  • Gây ngạt cho tôm (kết hợp với hemocyanin trong máu tôm, làm mất khả năng vận chuyển oxy của máu). Tôm ngạt mãn tính sẽ yếu và dễ nhiễm bệnh hoặc chết khi sốc môi trường.
  • Gây rối loạn cân bằng áp suất thẩm thấu do cạnh tranh với ion Cl ­ (nhất là trong những ao nuôi độ mặn thấp).
  • Gây lột xác không cứng vỏ.
  • Chậm lớn.
  • Gây tổn thương mang, gây phù thủng cơ.
  • Không thể nuôi tôm về kích thước lớn. (Hầu hết tôm phải thu trong các ao nuôi hơn 60 ngày đều có hàm lượng NO2­-N trong nước cao).

Bản thân nitrit ở mức thấp có thể không gây ảnh hưởng lớn cho tôm nhưng khi ao xuất hiện nitrit chứng tỏ điều kiện môi trường đã xấu đi, đáy ao dơ. Cùng với các điều kiện gây căng thẳng khác, tôm có thể chết nếu hàm lượng nitrit trong ao quá cao.

Tôm ngộ độc nitrit có các dấu hiệu như lột xác không cứng vỏ, đỏ thân, vàng mang, dễ nhiễm khuẩn và chết rải rác vào sáng sớm hoặc chiều tối.

Hình 2: Tôm lột xác không cứng vỏ trong ao có nitrit cao

Trong thí nghiệm trên tôm sú Ấn Độ P. indicus, tốc độ tăng trưởng của tôm giảm 50% trong hơn 34 ngày tiếp xúc với nồng độ nitrit 6,4 mg/L.

 

3. Tương tác của nitrit và môi trường

Bảng liều lượng gây chết 50% trong 96 giờ LD5096h của NO2­- N (ppm) như sau:

Theo nghiên cứu, liều an toàn vào khoảng 0,1 – 0,05 lần liều LD5096h.

Ảnh hưởng của NO2 ­ lên cá tôm phụ thuộc nhiều vào độ mặn của nước vì ion Cl ­ và nitrit trong nước có cùng cơ chế hấp thu trên mang. Trong nước độ mặn cao có nhiều ion Cl ­ sẽ cạnh tranh và hạn chế được ảnh hưởng của nitrit.

Hàm lượng nitrit trong nước đề xuất cho tôm sú giống không quá 4 mg/L NO2­N ở độ mặn 20‰.

Độ mặn càng cao, độc tính của nitrit càng giảm, nitrit trong nước phải rất cao mới có thể gây chết 50% tôm trong 96 giờ

Lưu ý rằng các test đo nitrit hiện tại là đo NO2­N, lượng nitrit thật sự gấp 2 – 3 lần chỉ số đo này. Tuy nhiên, trong tất cả các nghiên cứu, các nhà khoa học thường đưa ra số liệu dựa trên dạng NO2­N thay vì dạng ion NO2 vì nó giúp đơn giản hóa các phương trình và biểu đồ. Để tính dạng ion NO2 ta dùng công thức sau: NO2 = NO2­-N x 3,28443.

4. Chuyển hóa nitrit tự nhiên

  • Hấp thu của tảo:

Trong nguồn nước thiếu NH4 + /NH3, tảo có thể hấp thu một lượng nitrit như nguồn nitơ cần cho phát triển tế bào mới. Tuy nhiên, sử dụng nguồn nitơ từ nitrit gây hao tốn năng lượng do tảo phải đưa về dạng NH4 + mới có thể hấp thu.

Tiêu hao nitrit do hấp thu của tảo không đáng kể.

  • Nitrat hóa:

Quá trình nitrat hóa chia làm 2 bước: bước 1 chuyển NH4 + /NH3 sang nitrit (NO2) và bước 2 chuyển tiếp nitrit sang nitrat (NO3 ­ ).

Chuyển nitrit sang nitrat là quá trình cơ bản làm mất nitrit trong thủy vực. Tuy nhiên, trong ao nuôi quá trình này bị hạn chế do:

Oxy là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất. Lượng oxy hòa tan yên cầu luôn hơn 1mg/L mới có thể xảy ra quá trình.

Vi khuẩn nitrit cần một thời gian dài để phát triển ổn định (khi quần thể vi khuẩn oxy hóa NH4 + /NH3 phát triển ổn định và làm giảm lượng NH4 + /NH3 thì quần thể vi khuẩn oxy hóa nitrit mới bắt đầu phát triển).

Hàm lượng NH4 + /NH3 và nitrit trong nước quá cao sẽ ức chế quá trình nitrat hóa.

Trong ao có những vùng yếm khí sinh ra khí H2S cũng ức chế quá trình nitrit hóa.

  • Quá trình Anammox:

Xảy ra trong điều kiện thiếu oxy trong đất (dưới 3mg/L ở nước ấm và 5mg/L ở nước lạnh). Quá trình này chiếm 30 – 70% chuyển NH4 + thành khí nitơ trong đại dương nhưng chưa được nghiên cứu tại ao nuôi.

5. Xử lý nitrit trong ao

  • Tuần hoàn nước ao nuôi ra ao lắng:

Khi đưa nước từ ao nuôi sang ao lắng sẽ xử lý nitrit trước khi tái cấp vào ao nuôi. Tại ao lắng, xử lý nước bằng oxy già 5 – 10ppm. Oxy già sẽ cung cấp oxy cho quá trình nitrat hóa đồng thời oxy hóa chất hữu cơ.

Hạn chế của phương pháp này là không thể áp dụng cho thể tích ao nuôi lớn do giá thành cao.

Tốt nhất là nuôi theo qui trình cấp – thay nước từ khi tôm còn nhỏ (bắt đầu từ lần siphong đáy lần đầu tiên, lúc 20 ngày tuổi) nhằm đảm bảo lượng nitrit trong ao ở mức an toàn

  •  Xử lý tại ao nuôi:

Có thể định kỳ 2 – 3 ngày xử lý CaCl2 lượng 20 – 30 kg/1000m3 nhằm tăng khả năng chống chịu cho tôm trong ao có nitrit cao. Nếu thấy tôm có các dấu hiệu ngộ độ nitrit có thể dùng oxy viên 1 – 2 kg/1000m2 đánh xuống đáy ao vào ban ngày, liên tục vài ngày.

Khi điều chỉnh các chỉ tiêu môi trường nước phải luôn luôn giảm lượng ăn nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

 

(Nguồn nghetomtep.com)

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết này tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau.

Nội dung chi tiết vui lòng xem trong tài liệu tham khảo. Xin cảm ơn Tài liệu tham khảo: https://drive.google.com/file/d/0B8zVAOew_ACsU2MxZFhDZWF1OU0/view https://www.researchgate.net/publication/301343569_Acute_toxicity_of_nitrite_on_white_shrimp_Litopenaeus_vannamei_Boone_juveniles_in_lowsalinity_water https://books.google.com.vn/books?i https://www.hamzasreef.com/Contents/Calculators/NitrogenIonConversion.php