Tôm thẻ chân trắng là đối tượng có nhiều ưu điểm nổi bật, với mật độ nuôi có thể lên đến 150 – 300 con/m2, nhu cầu khoáng đối tôm thẻ chân trắng rất lớn, đặc biệt là trong quá trình lột xác.
Vai trò của các chất khoáng
Khoáng được chia làm 2 loại: khoáng đa lượng như: Canxi (Ca), Phốt- pho (P), Ka – li (K), Magie (Mg)… và khoáng vi lượng: Đồng (Cu), Sắt (Fe), Mangan (Mn), Ni – ken (Ni)…. Trong số đó, các chất được xem là cần thiết cho tôm gồm: Ca, Cu, P, Mg, K, Zn…
Ca và P: Rất cần thiết cho quá trình hình thành vỏ kitin. Ngoài ra, Ca là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình đông máu, các chức năng của cơ, sự truyền dẫn thần kinh, điều hòa áp suất thẩm thấu. P là chất cấu thành hợp chất cao năng Adenosine triphosphate (ATP), Phospholipid, AND, ARN và một số coenzime. P đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển hóa năng lượng và hoạt động, quá trình biến dưỡng các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Vì vậy P là yếu tố tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, điều khiển sinh sản, sinh trưởng, duy trì ổn định pH trong cơ thể động vật thủy sản…
Na, Cl và K: Na+, Cl- và K+ tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động enzyme Na+/K+ ATPase trong tế bào. Na+ có chức năng trong dẫn truyền xung động thần kinh cơ. K+ có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của tôm. Tôm thẻ chân trắng có biểu hiện biếng ăn, hoạt động kém, tăng trưởng chậm, thậm chí chết khi thiếu K+.
Mg: Đóng vai trò làm ổn định sự trao đổi chất và là yếu tố tham gia một lượng lớn các phản ứng enzyme chất đường trong cơ thể. Mg tham gia vào quá trình hô hấp tế bào và những phản ứng truyền dẫn phosphate. Là nhân tố kích hoạt cho tất cả các phản ứng trong quá trình trao đổi chất lipid, carbohydrate và protein.
Cu: là yếu tố liên quan đến sự hấp thụ các vi khoáng trong thức ăn như Fe và Zn. Chứa nhiều enzyme có tính ôxy hóa và đóng vai trò quan trọng trong sự hô hấp, cần thiết cho quá trình lột xác và tăng trưởng của tôm, là thành phần của sắc tố đen (Melanin), và hemocyanin trong máu tôm. Tôm sinh trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh gan, tụy khi ít hoặc thiếu Cu.
Zn: Thành phần cấu tạo enzyme Carbonicanhydrase (xúc tác phản ứng hydrat hóa) làm tăng khả năng vận chuyển CO2 và kích thích tiết HCl trong dạ dày. Khi thiếu Zn tôm sẽ giảm bắt mồi, giảm tăng tưởng, mòn phụ bộ, còi.
Fe: Là thành phần dinh dưỡng thiết yếu cần cho chức năng của tất cả các cơ quan và mô trong cơ thể. Có vai trò dự trữ ôxy của cơ, tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme.
Iod: Là một vi chất có mặt trong cơ thể với một lượng rất nhỏ, chức năng quan trọng nhất của iod là kích thích quá trình chuyển hóa tới 30%, tăng sử dụng ôxy, chuyển beta-caroten thành Vitamin A, tổng hợp protein, hấp thu chất bột đường trong ruột non.
Bổ sung khoáng cho tôm
Khoáng chất sử dụng cho động vật thủy sản thường có hai dạng: Khoáng nước là hỗn hợp dung dịch các muối phosphate. Khoáng bột thường là hỗn hợp các hợp chất oxit. Việc bổ sung khoáng chất vào thức ăn phụ thuộc vào khả năng hữu dụng sinh học của những loại khoáng này ở môi trường nước. Khả năng hấp thụ phần lớn khoáng của tôm rất hạn chế, cần bổ sung vào ao nuôi loại khoáng mà đảm bảo tôm dễ dàng hấp thụ. Có thể là dạng muối khoáng tinh thể, dễ hòa tan trong môi trường nước, hoặc tốt nhất nên trộn cho ăn thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.
Để đảm bảo cho quá trình tôm lột vỏ, tăng trưởng bình thường và tỷ lệ sống cao đối với tôm sống trong môi trường nước có độ mặn cao, nhu cầu về Ca2+, K+ và Mg2+ một phần được đáp ứng. Tuy nhiên, nếu tôm sống trong môi trường có độ mặn thấp hơn 4‰ thì việc bổ sung 5 – 10 mg K+/lít và 10 – 20 mg Mg2+/lít. Trong nước nuôi tôm, tỉ lệ Na:K phải đạt 28:1 và Mg:Ca là 3,1:1.
Nên bổ sung khoáng chất tốt nhất là vào thời điểm tôm nuôi lột xác, có thể buổi chiều hoặc vào ban đêm lúc 10 – 12 giờ. Khi tôm lột xác, nhu cầu ôxy sẽ tăng cao gấp đôi và sau khi lột xác tôm sẽ bắt đầu hấp thu khoáng chất từ môi trường nước để tạo vỏ, quá trình hấp thu khoáng chất diễn ra mạnh vào giai đoạn 2 – 4 giờ sáng.
Một số trường hợp do tôm thiếu hàm lượng Ca, Mg, P dẫn đến hiện tượng tôm mềm vỏ kéo dài, tôm khó lột xác. Hàm lượng P trong nước rất ít; do đó phải bổ sung định kỳ nhằm hạn chế tình trạng tôm khó lột xác. Nếu trong ao nuôi xảy ra hiện tượng này, người nuôi cần phải tạt khoáng bột xuống ao với liều lượng 1 kg/1.000 m3, kết hợp trộn khoáng nước 10 ml/1 kg thức ăn (2 lần/ngày) sẽ khắc phục hiện tượng trên. Trong quá trình nuôi, tôm thẻ chân trắng khoảng 30 – 65 ngày tuổi là giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất, nếu thấy tôm tăng trưởng chậm chứng tỏ hàm lượng Ca, Mg trong nước thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu hấp thụ của tôm, cần phải bổ sung khoáng nước bằng cách trộn vào thức ăn với liều lượng 5 ml/1 kg thức ăn (2 lần/ ngày).
Mới đây, theo kết quả của một nghiên cứu, đối với ương ấu trùng tôm thẻ chân trắng, bổ sung khoáng với liều lượng 60 ml/m3 sẽ cho sinh trưởng và phát triển cũng như tỷ lệ sống tốt nhất.
(Nguồn Con tôm Việt Nam)