Giá tôm năm 2020 liệu có cải thiện?

Theo Tổng Cục Thủy sản, cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Theo Tổng Cục Thủy sản, diện tích nuôi cả nước trong năm 2019 ước đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn, bằng 98,3% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng tôm sú là 270.000 tấn, tôm chân trắng 480.000 tấn.

Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Trong 2020, Tổng Cục Thủy sản đặt mục tiêu tôm nước lợ 730 nghìn ha, tăng nhẹ 10.000 ha so với năm 2019.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), sau khi giảm liên tục trong ba tháng 8, 9, 10, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 11 đảo chiều tăng nhẹ so với cùng kì năm 2018.

Giá tôm năm 2020 liệu có cải thiện? - Ảnh 1.
Nguồn: VASEP

Tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng nhẹ 1,5% đạt gần 309 triệu USD. Tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỉ USD, giảm 5,7% so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 69,9%, tôm sú chiếm 20,6% và còn lại là tôm biển.

VASEP nhận định xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc vào những tháng cuối năm. Xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm 2019 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỉ USD, giảm 4% so với năm 2018.

Tổng Cục Thủy sản cho biết giá tôm giống vẫn giữ mức ổn định ở mức từ 70-120 đồng/con. Tính đến hết 30/11, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu là 198.414 con, không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tôm bố mẹ được nhập chủ yếu từ Mỹ, Singapore và Thái Lan.

Trước tình hình bệnh vi bào tử trùng (EHP) bùng phát trên tôm nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thủy sản và địa phương đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế phát sinh bệnh.

Từ đầu tháng 3 đến tháng 9 năm 2019, giá tôm giảm do một số nguyên cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thủy sản đã khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kĩ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lí, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu.

Nguồn: Vietnambiz