Thị trường EU và Mỹ quan trọng thế nào với xuất khẩu của Việt Nam?

– Hoa Kỳ và EU đều là những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhất là đối với hàng xuất khẩu.

Tỷ trọng của Mỹ và EU trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam năm 2019. Biểu đồ: T.Bình.

Thị trường Hoa Kỳ

Thông tin các đối tác từ Mỹ và EU tạm ngưng nhập khẩu hàng dệt may và nhiều nhóm hàng chủ lực từ Việt Nam do dịch Covid-19 đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, nhất là cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Điều này dễ hiểu khi đây là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, điểm đến cho hàng hóa xuất khẩu của hàng chục nghìn doanh nghiệp với hàng triệu lao động trong nước.

Trước tiên, với Mỹ, từ nhiều năm qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, riêng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 61,35 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2018 và chiếm 23,2 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm ngoái.

Các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam như dệt may, điện thoại, máy vi tính, dày dép, đồ gỗ… đều có sự hiện diện ở Mỹ.

Đặc biết, từ rất nhiều năm qua, thị trường Mỹ có sự áp đảo về thị phần với nhóm hàng dệt may xuất khẩu.

Đơn cử như năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm đến 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, Mỹ vẫn duy trì là thị trường lớn nhất giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có được sự tăng trưởng khá.

Cụ thể, cập nhật của Tổng cục Hải quan trong 2 tháng đầu năm, riêng thị trường Mỹ đạt 10,262 tỷ USD, chiếm đến 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Kết quả này tiếp tục giúp nền kinh tế thế giới là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là thị trường đầu tiên đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên, trong số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngoại thương với Việt Nam.

So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng tăng mạnh tới 25,7%, tương đương con số tăng thêm gần 2,1 tỷ USD.

Đặc biệt, riêng kim ngạch tăng thêm ở thị trường này chiếm khoảng 70% kim ngạch tăng thêm và gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của cả nước trong 2 tháng đầu năm (cả nước tăng thêm so với cùng kỳ 2019 khoảng 3 tỷ USD).

Mới qua 2 tháng đầu năm đã có tới 3 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: Dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện.

Trong đó, dệt may đạt gần 2,25 tỷ USD là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ, đồng thời đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng dệt may.

Điện thoại và linh kiện đạt 1,863 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 1,2 tỷ USD.

Xét về kim ngạch và tốc độ tăng trưởng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có sự bứt phá ấn tượng nhất với tốc độ tăng trưởng 34,5%, tương đương kim ngạch tăng thêm gần 700 triệu USD.

Ngoài 3 nhóm hàng “tỷ USD” kể trên, hết tháng 2 cả nước còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch hàng trăm triệu USD.

Nhiều thị trường “tỷ USD” ở EU

Cùng với Mỹ, EU cũng là đối tác xuất khẩu quan trọng hàng đầu ở Việt Nam.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU (28 nước, thời điểm nước Anh chưa rời khối-PV) đạt 56,39 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm ngoái.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 41,48 tỷ USD, dù giảm 1% so với năm 2018 nhưng vẫn chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong khi nhập khẩu của Việt Nam là 14,91 tỷ USD, tăng 7,4%, chiếm 5,9% kim ngạch cả nước.

Như vậy, trong quan hệ thương mại với EU, nước ta đang có được mức xuất siêu đang kể là 26,57 tỷ USD vào năm ngoái.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thành viên EU.

Điển hình như nhóm hàng lớn nhất là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD, dù giảm 7,1% so với năm 2018 nhưng EU vẫn chiếm tới 24% kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này.

Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,06 tỷ USD, cũng giúp EU nằm trong nhóm các thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Ngoài ra, hàng loạt các nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD trong năm ngoái tại EU như: Dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…

Trong EU, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất ở châu Âu nói chung.

Hết tháng 2, Đức là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam ở EU và cả châu Âu đạt kim ngạch 1 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 6,555 tỷ USD, giúp Việt Nam xuất siêu gần 3 tỷ USD.

Thái Bình / Theo Báo Hải Quan Online