Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một loài tôm mũ ni được sản xuất thành công.
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) đã sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni trắng.
Dẫn chúng tôi tham quan Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang thuộc Viện III, tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa), lần lượt giới thiệu các bể nuôi vỗ tôm mũ ni bố mẹ, rồi các bể nuôi ương ấu trùng cho đến con giống mũ ni đã sản xuất ra, TS Trương Quốc Thái, chủ nhiệm đề tài KHCN cấp nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ về “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen tôm mũ ni trắng (Thenus orientalis Lund, 1793)” khẳng định: Đến nay đề tài đã làm chủ quy trình nuôi vỗ bố mẹ và bước đầu làm chủ và sản xuất thành công giống nhân tạo tôm mũ ni.
Hiện nay trên thế giới, sản xuất giống nhân tạo tôm mũ ni thành công chỉ có 3 nước là Úc, Ẩn Độ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, đối với Nhật Bản và Ấn Độ họ chỉ thành công ở quy mô phòng thí nghiệm. Còn Úc đã công bố sản xuất thành công con giống tôm mũ ni sớm nhất vào năm 2007. Mới đây họ công bố thời gian ương nuôi từ phyllosoma I (ấu trùng mới nở từ trứng) đến khi ra giống trong khoảng 30 ngày.
Tuy nhiên cho tới nay họ không công bố tỷ lệ sống đạt bao nhiêu phần trăm và quy mô sản xuất như thế nào, đây là những thông tin được giữ bí mật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tôm mũ ni hay còn gọi tôm vỗ, là đối tượng có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao, thuộc giống tôm hùm.
Tôm này phân bố rộng từ khu vực biển đỏ, Tây Ấn Độ đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc ở vùng nước sâu từ 30 – 40m, nơi có rạn san hô phát triển với thành phần rất đa dạng.
Tại Việt Nam có khoảng 7 loài tôm mũ ni phân bố, sống ở vùng biển khơi trải dài từ Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận cho đến Vũng Tàu, Kiên Giang.
Tập tính của chúng vào ban ngày thường vùi mình vào đáy cát hoặc trú ẩn trong hang hốc. Ban đêm chúng rời hang đi kiếm mồi.
Những năm qua tôm mũ ni bị khai thác quá mức dẫn đến trữ lượng tôm trong tự nhiên suy giảm nghiêm trọng, ngày càng khan hiếm và khu vực phân bố cũng dần thu hẹp.
Trước thực trạng trên, từ tháng 10/2018, TS Trương Quốc Thái cùng cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã bắt tay thực hiện đề tài như đã đề cập ở trên, với mục tiêu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống và mô hình nuôi thương phẩm tôm mũ ni.
Đề tài sẽ kết thúc vào năm 2022. Tuy nhiên bước đầu đề tài đã thành công trong việc tạo ra con giống tôm mũ ni nhân tạo.
Chia sẻ về quy trình tạo ra con giống, TS Trương Quốc Thái cho biết: Đầu tiên việc chọn lựa tôm bố mẹ mũ ni rất quan trọng.
Theo đó, nguồn tôm bố mẹ được thu thập từ nguồn đánh bắt tự nhiên, sau đó được nuôi vỗ trong bể hệ thống lọc sinh học tuần hoàn, kết hợp xử lý UV (tia cực tím).
Nhờ vậy, nguồn nước nuôi tôm bố mẹ trong hệ thống tuần hoàn chỉ thay khoảng 50% nước trong khoảng 7 – 10 ngày. Hiện nay, đàn bố mẹ nuôi vỗ đạt tỷ lệ thành thục khá cao trên 70%, tỷ lệ đẻ đạt 60%. Thức ăn cho tôm bố mẹ cũng đã xác định một số loài nhuyễn thể và một số loài cá chúng rất ưa thích như cá liệt, cá cơm.
Trong sản xuất giống tôm mũ ni, tôm mẹ ôm trứng được ấp trong bể riêng để theo dõi cho đến khi nở.
Dấu hiệu trứng sắp nở là màu trứng sẽ chuyển từ màu vàng sáng (mới đẻ) sang màu vàng sẫm (sắp nở) và thời gian ấp trứng khoảng 30 – 32 ngày.
Cụ thể công đoạn trên, đầu tiên tôm mẹ ôm trứng trước ngày nở sẽ được nhốt trong lồng đặt trong bể 500 lít.
Khi trứng nở sẽ lấy lồng ra khỏi bể nở rồi tiến hành thu ấu trùng (phyllosoma I) chuyển sang bể ương ấu trùng để ương nuôi lên giống. Thức ăn chủ yếu giai đoạn này là Artemia được nuôi tại chỗ và được làm yếu trước khi cho ăn.
Đến giai đoạn phyllosoma III, ấu trùng sẽ được tách riêng do chúng ăn lẫn nhau làm giảm tỷ lệ sống và tiếp tục ương nuôi đến giai đoạn hậu ấu trùng (nisto).
Ở giai đoạn hậu ấu trùng, ấu trùng tôm sẽ không ăn thức ăn cho đến khi lột xác thành con giống, thời gian này kéo dài từ 7 – 10 ngày.
TS Trương Quốc Thái cho biết thêm, hiện với quy trình sản xuất giống tôm mũ ni được nghiên cứu thì tỷ lệ sống từ phyllosoma I đến giống là khoảng 1 – 2%.
Trong đó, tỷ lệ sống khi ương nuôi từ phyllosoma I đến phyllosoma III là khá cao, có thể đạt 60% và từ giai đoạn phyllosoma III đến hậu ấu trùng nisto tỷ lệ sống giảm xuống còn khoảng 5%. Còn từ giai đoạn nisto lên giống tỷ lệ sống khoảng 7 – 10%.
Đây là thành công bước đầu của đề tài đạt được, tuy nhiên để nâng cao tỷ lệ sống trong sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm mũ ni vẫn còn nhiều gian nan phía trước, đòi hỏi thời gian cùng sự đầu tư và nỗ lực nghiên cứu không ngừng của nhóm thực hiện.
Tôm mũ ni trắng là một trong những loài có giá trị kinh tế cao và phân bố phổ biến ở Việt Nam. Đặc biệt, thịt của tôm mũ ni trắng, mềm, thơm ngọt, giá trị dinh dưỡng cao… Hiện nay giá tôm mũ ni thương phẩm trên thị trường dao động từ 900 ngàn đến 1 triệu đ/kg. Tôm có đặc điểm vỏ đầu ngực dẹp, hình thang ngược. Cơ thể có màu nâu sậm hoặc màu gạch sáng. Kích thước toàn thân tối đa là 25cm và khối lượng của tôm khá lớn, có thể lên đến 560 gam, nhưng hiện nay khối lượng thương phẩm từ 100 - 120 gam trở lên.
Theo Kim Sơ / Báo Nông nghiệp VN