–Thủy sản dù là mặt hàng mũi nhọn của ngành nông nghiệp với nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên năng lực cạnh tranh so với thị trường quốc tế vẫn còn nhiều hạn chế. Đây là một trong những khó khăn đòi hỏi ngành hàng phải “thay đổi”.
Ngành hàng mũi nhọn luôn sẵn khó khăn ‘bủa vây’
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhận định thủy sản được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp, sau thủy sản mới đến rau củ quả và lúa gạo.
Trong những năm gần đây xuất khẩu thủy sản đã thật sự dẫn đầu toàn ngành, trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành này tiếp tục có bước tăng trưởng, điều đó cho thấy năng lực sản xuất của ngành đã có nhiều tiến bộ.
Thông tin từ Hội nghề cá Việt Nam cho biết trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước đạt 1,92 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kì năm 2018.
Riêng sản lượng tôm ước đạt khoảng 289.700 tấn, bằng 108,8% so cùng kì và đạt 33,7% so với kế hoạch cả năm 2019, sản lượng cá tra đạt 684.000 tấn, bằng 107,5% so với cùng kì 2018 và đạt 45,2% kế hoạch cả năm.
Các đối tượng khác như cá rô phi, nhuyễn thể, tôm hùm, cá biển cũng đạt kết quả khả quan. Ước tính sản lượng nhuyễn thể đạt 150.000 tấn, cá rô phi 100.000 tấn, cá biển 30.000 tấn, rong biển, tảo biển 90.000 tấn.
Về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng đạt 4 tỉ USD, tăng 0,6% với cùng kì năm 2018.
Trong đó, tôm các loại ước đạt 1,43 tỉ USD, cá tra 991 triệu USD, cá ngừ 380 triệu USD, mực và bạch tuộc 311 triệu USD, các loại cá khác 769 triệu USD, nhuyễn thể 45,4 triệu USD.
Trên thị trường thế giới, Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 thế giới.
Tuy nhiên, trong điều kiện trình độ nuôi trồng chế biến thủy sản thế giới đã phát triển đến mức cao, nên việc cạnh tranh trong xuất khẩu đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành hàng này.”Chẳng hạn như, trước đây sản phẩm cá tra của ta ‘một mình một chợ’ thì nay Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc đã nuôi được cá tra với sản lượng hàng năm đã đáp ứng phần lớn tiêu dùng nội địa.Chúng ta cần 10 năm để phát triển được nguồn con giống chất lượng nhưng đối với những quốc gia có trình độ công nghệ cao thì họ chỉ cần 2 – 3 năm.
Ví dụ, Trung Quốc hiện nay họ đã có con giống và tổ chức vùng nuôi cá nheo để bán lại cho chính thị trường Mỹ, nơi được xem là ‘cái nôi’ của loài thủy sản này”, ông Thắng nói.Ngoài ra, năm 2018 và nửa đầu năm 2019, ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi trồng thủy sản nói riêng phải đối mặt với những khó khăn như biến đổi khí hậu, hiện tượng cực đoan nắng nóng khô hạn kéo dài.
Đặc biệt giá cả của các mặt hàng chủ lực như tôm biến động và suy giảm trong nửa đầu năm 2018 và nửa đầu năm 2019, cá tra từ giá thấp năm 2017 tăng lên rất cao cho tới mấy tháng đầu năm 2019 nhưng sau đó xuống lại xuống rất thấp trong mấy tháng gần đây… là những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành thủy sản.
Chủ động tạo cơ hội ‘thay đổi’
Theo ông Thắng, mặc dù còn nhiều vấn đề khó khăn nhưng với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng luôn có “sức hút” lớn không chỉ với các doanh nghiệp trong nước mà còn với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào thị trường nhiều dư địa này.
Trong khi đó, để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và xu hướng phát triển của thị trường thế giới, mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam đã tốn kém không ít chi phí để mang hàng hóa đi trưng bày, chào bán tại các hội chợ thủy sản quốc tế.Trước nhu cầu thực tế về một hội chợ triển lãm quốc tế tại Việt Nam, đại diện Hội nghề cá Việt Nam cho biết Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền Vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) và Tập đoàn UBM Asia sẽ tổ chức triển lãm và hội thảo quốc tế chuyên ngành thủy sản Việt Nam 2019 (Aquaculture Vietnam 2019) từ 16 – 18/10 tới đây tại Cần Thơ.
Đây là cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm dịch vụ đến với ngành thủy sản của cả nước, đặc biệt là 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.Còn đối với nông dân, người nuôi trồng thủy sản là cơ hội tốt để cập nhật kiến thức kĩ thuật, thông tin thị trường, tìm kiếm những sản phẩm dịch vụ, công nghệ tốt nhất để phục vụ sản xuất.”Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hai đối tượng tôm và cá tra cần phải được tập trung. Từ sản xuất con giống cần phải có liên kết, lấy chất lượng làm hàng đầu, bảo đảm môi trường lấy chế biến giá trị gia tăng làm quan trọng.
Trong đó, tăng năng suất, tăng sản lượng là bắt buộc phải có, vì nếu muốn có kim ngạch 10 tỉ USD trong năm 2019, thì chế biến xuất khẩu và nhu cầu thị trường sẽ là những yếu tố quyết định”, ông Thắng cho hay.Đồng Bằng Sông Cửu Long cùng đường bờ biển dài hơn 700km, nhiều vùng giáp biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, có 3,9 triệu hecta đất ngập nước tự nhiên, là vùng đa dạng sinh học cao có vùng lợi thủy sinh.Đây là khu vực hoạt động thủy sản sôi động với các sản phẩm chủ lực: tôm, cá tra, cá basa, cá rô phi, nghêu, nhuyễn thể… trở thành khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của Việt Nam, đóng góp hơn 74% sản lượng nuôi trồng thủy sản trong cả nước.
(Nguồn: Vietnambiz)