Thứ hai – 28/10/2019
AGRIVINA-Trong quá trình nuôi tôm thường xuất hiện nhiều bệnh hại trong đó bệnh đóng rong trên tôm sú, tôm thẻ khá phổ biến, tuy không gây hại như các loại bệnh khác nhưng bệnh đóng rong cũng gây nhiều thiệt hại đáng kể cho người nuôi tôm.
Để có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả bệnh đóng rong trên tôm, người nuôi cần phải phát hiện bệnh kịp thời và xác định tác nhân gây bệnh để điều trị hiệu quả.
- Nguyên nhân gây ra bệnh đóng rong trên tôm sú, tôm thẻ
– Bệnh được xác định là do các động vật nguyên sinh, vi khuẩn dạng sợi, tảo bám, vi nấm…gây nên. Các cá thể tôm yếu không thể lột xác bình thường dễ bị các vi sinh vật và các chất vô cơ bám vào phần vỏ gây ra bệnh đóng rong.
– Đối với các ao nuôi không thường xuyên xử lý nước và cho ăn thức ăn hữu cơ dư thừa thường xuyên tạo điều kiện cho vi khuẩn, rong và tảo phát triển mạnh rất dễ xảy ra bệnh.
2. Các dấu hiện bệnh “đóng rong” trên tôm
– Mang tôm bị đóng rong thường đổi màu thậm chí đổi sang màu đen, vỏ tôm trơn nhớt trông như có 1 lớp tảo bám ở bề mặt.
– Toàn thân tôm bị dơ, đặc biệt là vùng đầu ngực, mang và các phụ bộ, tôm bị đóng rong trên vỏ thường có màu xanh hoặc màu đen xám giống như bùn.
3. Ảnh hưởng của bệnh đóng rong đối với tôm nuôi
– Tôm bị đóng rong thường rất yếu, bỏ ăn, di chuyển ít và tấp mé bờ. Mang tôm bị tổn thương hoặc biến đổi màu sắc.
– Nếu bệnh nặng sẽ phá hủy vỏ tôm và xâm nhập vào cơ thịt của tôm. Bên cạnh đó bệnh còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại khác xâm nhập vào cơ thể của tôm nuôi.
4. Biện pháp phòng trị
Phòng bệnh:
– Tẩy dọn ao kỹ trước khi thả tôm. Nếu có thể nên thiết kế hố xiphong để gom bùn thải trong ao và định kỳ xiphong nền đáy.
– Lắng lọc kỹ nước trước khi cấp vào ao nuôi, dùng thuốc diệt cá để diệt vật chủ trung gian mang mần bệnh vào ao nuôi.
– Chọn mật độ nuôi phù hợp với tay nghề và kỹ thuật.
– Tránh dư thừa thức ăn, định kì dùng men vi sinh để phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ giảm ô nhiễm trong ao, giữ đáy ao sạch.
– Phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao tốt, ổn định tảo trong ao và luôn đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm.
Phương pháp trị bệnh
- Xử lý môi trường nước
– Dùng BKC 80% với liều 0,8 ppm, tương đương 1 lít BKC dùng cho 1.200 – 1.500 m3 nước, để kích lột đồng thời diệt mầm bệnh.
– Hoặc có thể dùng formalin (37-40% formaldehyde) với liều lượng thường dùng là 25-30 ppm, nên dùng ban ngày và sục khí liên tục trong quá trình xử lý. Formalin có tác dụng trực tiếp diệt sinh vật bám và kích thích sự lột xác của tôm. Tuy nhiên Formalin là hóa chất độc hại. Cần cân nhắc khi sử dụng.
– Kiểm tra nồng độ khoáng chất trong nước ao. Nếu chưa đạt tỷ lệ Na:Mg:Ca:K là 27,6 : 3,5 : 1 : 1 thì cần bổ sung để tôm thuận lợi lột xác, loại mầm bệnh ra khỏi cơ thể.
– Sau 2 ngày diệt khuẩn cần sử dụng chế phẩm vi sinh: Aqua clear hoặc Probio để phân hủy xác tảo, các chất hữu cơ để làm sạch đáy ao nước ao đồng thời cung cấp vi sinh vật có lợi cạnh tranh môi trường sống nhầm hạn chế mầm bệnh phát triển trở lại.
- Trên cơ thể tôm nuôi
– Kích thích sức đề kháng tự nhiên của tôm bằng cách trộn Betaglucan cho tôm ăn theo liều hướng dẫn của nhà sản xuất: Immunowal, Biolex hoặc Saffmannan để phòng các bệnh cơ hội như phân trắng, đốm trắng, …
– Tăng cường sức đề kháng bằng Vitamin C hoặc vitamin tổng hợp: Miavitagol, Vitamin Tổng hợp ADE3.
– Bổ sung khoáng Calpholex, Azomite hoặc Nutrexmin vào thức ăn để hỗ trợ tôm lột xác loại bỏ ký sinh trùng trên vỏ tôm.
Nếu điều trị đúng cách tôm sẽ khoẻ sau 1 -2 lần lột xác.
Tổng hợp: Tuệ Mẫn
Tài liệu tham khảo:
- TS. Lý Thị Thanh Loan (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) – KHPT, 30/9/2005
- UV-Viet Nam
- Facebook: Hội Nuôi Tôm Việt Nam