ỨNG DỤNG CÁC GIẢI PHÁP NUÔI TÔM HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG THỜI KÌ HẬU COVID-19

Diễn đàn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người nuôi tôm vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không để tụt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD

Ngày 11/6 tại Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản tổ chức Diễn đàn “Ứng dụng các giải pháp kỹ thuật và quản lý phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững”.

Diễn đàn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người nuôi tôm vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, một số tổ chức quốc tế như GIZ, WWF Việt Nam đã có các bài tham luận tại diễn đàn này. Trong một ngày, diễn đàn tập trung vào những nội dung trọng tâm để phát triển ngành tôm nước lợ thời kỳ hậu Covid-19.

 Nhu cầu con giống khoảng 130 tỷ con (100 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con tôm sú). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Nhu cầu con giống khoảng 130 tỷ con (100 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con tôm sú). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020 diện tích thả nuôi tôm theo kế hoạch là 730.000 ha, trong đó có 630.000 ha tôm sú, 110.000 ha tôm thẻ chân trắng. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000 con, trong đó tôm thẻ chân trắng 200.000 con, tôm sú 60.000 con. Nhu cầu con giống khoảng 130 tỷ con (100 tỷ con tôm thẻ chân trắng và 30 tỷ con tôm sú). Phấn đấu năm 2020, sản lượng tôm nuôi đạt 830.000 tấn (280.000 tấn tôm sú và 550.00 tấn tôm thẻ chân trắng), kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2020 dự báo ngành tôm Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn và khó dự báo. Đặc biệt, hạn hán xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra sớm, khốc liệt và dịch Covid -19 đã ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động thương mại.

Ký kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi theo chuỗi sản xuất và xuất khẩu đạt giá trị cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ký kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi theo chuỗi sản xuất và xuất khẩu đạt giá trị cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để đạt được tất cả các mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời khuyến cáo người dân. Các doanh nghiệp và người nuôi tôm áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GolbalGAP, ASC để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, không sử dụng chất cấm, hóa chất trong nuôi tôm. Giảm khâu trung gian để hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cơ hội những tháng cuối năm trong tầm tay

Ông Ngô Tiến Chương, đại diện cho GIZ (doanh nghiệp Liên Bang Đức) chia sẻ: Các dự án do GIZ thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất tôm. Mô hình thích ứng BĐKH cải thiện chuỗi giá trị tôm. Dự án cải thiện chất lượng cơ sở sản xuất tôm giống tại Việt Nam…

Theo đó, ông Chương cho rằng xu hướng tiêu dùng trên thế giới đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm hữu cơ và nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ trong nuôi tôm phải thay đổi từ tư duy đến hành động.

Cơ hội tốt cho ngành tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Cơ hội tốt cho ngành tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Thị trường EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid -19. Các lệnh cấm, phong tỏa tại EU đã ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm và tiếp tục giảm 7,7% trong 4 tháng đầu năm nay.

Riêng thị trường Trung Quốc đang phục hồi dần, trong tháng 4 xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lần đầu tiên tăng sau 3 tháng giảm liên tục. Đối với thị trường Canada và Úc, tại Canada xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt với 31,2%.

Tuy nhiên, thị trường Úc đã bắt đầu chậm lại và giảm mạnh trong tháng 4/2020 gần 50%. Nguyên nhân, một phần do tác động của quy định mới về yêu cầu rút chỉ tôm bắt đầu có hiệu lực đối với các lô hàng đến Úc từ ngày 1/7/2020.

Các đại biểu quan tâm đến vật tư thú y thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Các đại biểu quan tâm đến vật tư thú y thủy sản. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, cơ hội cho ngành tôm Việt Nam là sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu tôm giảm như: Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia vẫn còn ảnh hưởng dịch Covid -19. Trung Quốc xuất hiện virus CIV-1, từ đó sẽ có sự dịch chuyển lớn các đơn hàng sang Việt Nam.

Theo đó, nếu các nước kiểm soát được dịch bệnh thì nguồn cung tôm của các nước cũng mất nhiều thời gian để phục hồi bằng mức trước khi có dịch. Do đó, đây sẽ là cơ hội tốt cho ngành tôm Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.

Quản lý sức khỏe tôm nuôi
Kết quả nghiên cứu bệnh do vi bào tử trùng gây ra trên tôm nuôi và đề xuất các giải pháp của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II.
Sự hiện diện của các mầm bệnh khác trong ao nuôi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm EHP cũng như khả năng nhiễm ghép của nhiều tác nhân làm ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi. Vì vậy, trong quá trình nuôi cần giám sát thường xuyên tình trạng sức khỏe tôm nuôi cũng như sự biến động các yếu tố môi trường để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Thường xuyên kiểm tra tình trạng gan tụy và đường ruột tôm, trường hợp tôm khỏe khối gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường, đường ruột đầy thức ăn. Tôm bệnh thường có gan tụy nhạt màu, kích thước khối gan tụy nhỏ lại hoặc mềm nhũn, ruột rỗng hoặc chứa thức ăn không liên tục...

Theo NGỌC THẮNG – HOÀNG VŨ / Nông Nghiệp Việt Nam