Doanh nghiệp thủy sản chờ “cú hích” EVFTA

Doanh nghiệp thủy sản chờ “cú hích” EVFTA

Do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp thủy sản đều bị sụt giảm 30-50% đơn hàng, liệu EVFTA có giúp nhóm ngành này hồi phục trong nửa cuối năm nay?

Bức tranh nửa đầu năm ảm đạm

Các doanh nghiệp thủy sản trên sàn niêm yết hầu hết đã công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 ảm đạm khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sâu so với cùng kỳ.

Về doanh thu, sau 6 tháng chỉ có CMX, KHS và BLF có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ trong đó CMX tăng mạnh nhất 39,2%, ngoài ra SJ1 và FMC có doanh thu đi ngang so với nửa đầu năm 2019.

Còn lại có tới 11/16 doanh nghiệp thủy sản có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó NGC kết thúc 6 tháng chỉ có 8,7 tỷ đồng doanh thu giảm mạnh so với con số 93,2 tỷ đồng cùng kỳ tương ứng giảm gần 91%, tiếp đó AVF cũng có doanh thu chỉ đạt 12,7 tỷ đồng giảm gần 73% so với cùng kỳ 2019.

Các ông lớn trong ngành thủy sản như VHC, IDI và ANV cùng lần lượt công bố mức doanh thu giảm 14%, 21% và 14% so với cùng kỳ. Trong đó IDI cho biết thời điểm quý I và quý II/2020 là giai đoạn khởi nguồn và phát triển của dịch, nên đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình xuất khẩu cá tra Fillet đông lạnh của Công ty, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, giá cá xuất khẩu bị giảm mạnh so với trước dịch.

Doanh nghiệp thủy sản chờ “cú hích” EVFTA - Ảnh 1.

Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 của các doanh nghiệp thủy sản cũng giảm sâu thậm chí thua lỗ. Trong đó đáng chú ý nhất là khoản lỗ của TS4, kinh doanh dưới giá vốn khiến TS4 lỗ liền cả 2 quý khiến 6 tháng lỗ 23,3 tỷ đồng, Việt An (AVF) tiếp tục báo lỗ 58 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 trong khi mục tiêu kinh doanh năm nay của công ty là hòa vốn. Thủy sản Mekong (AAM) 6 tháng cũng chỉ lãi vỏn vẹn 71 triệu đồng và cách rất xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng năm nay.

Doanh nghiệp đầu ngành Vĩnh Hoàn (VHC) báo lãi 6 tháng chỉ đạt 367,6 tỷ đồng giảm phân nửa cùng kỳ do giá bán giảm và ảnh hưởng bởi Covid-19. Tiếp đó Nam Việt (Navico) cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 và giá bán sản phẩm giảm dẫn đến 6 tháng lợi nhuận sau thuế giảm gần 79% xuống mức 75,5 tỷ đồng.

Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) cũng cho biết dịch Covid 19 ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu cá tra fille đông lạnh khi thị trường bị gián đoạn, giá xuất khẩu giảm mạnh. Lợi nhuận 6 tháng giảm đến 82% so với cùng kỳ, còn hơn 40 tỷ đồng.

Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) sau nửa năm kinh doanh chỉ ghi nhận lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng, giảm 95% so với con số gần 113 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng của ngành thuộc về Thực phẩm Sao Ta (FMC) khi doanh nghiệp này báo lãi ròng tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 52 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thủy sản chờ “cú hích” EVFTA - Ảnh 2.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 cũng đã được các doanh nghiệp thủy sản tính đến trong KHKD 2020 tuy nhiên rõ ràng là mức độ ảnh hưởng là lớn hơn dự đoán bởi với kết quả đạt được sau nửa năm kinh doanh thì hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đang chỉ hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 ở mức rất thấp.

Doanh nghiệp thủy sản chờ “cú hích” EVFTA - Ảnh 3.

Nỗ lực vượt khó để phát triển bền vững trong tương lai

Collagen và gelatin (C&G) là các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm là yếu tố kỳ vọng sẽ kìm hãm đà suy giảm lợi nhuận của Vĩnh Hoàn. “Sản phẩm này đang phát triển tốt, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, kỳ vọng tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu, lợi nhuận của Vĩnh Hoàn”, CEO Vĩnh Hoàn – bà Nguyễn Ngô Vi Tâm – trong lần trò chuyện mới nhất chia sẻ. Lượng công suất C&G mới của Vĩnh Hoàn (tương ứng 75% công suất hiện tại) đang đi đúng tiến độ nhằm hoạt động vào tháng 8/2020. Theo đó, Công ty kỳ vọng cả doanh thu và lợi nhuận từ mảng này sẽ tăng 50% trong năm nay, so với mức đóng góp lần lượt 8% doanh thu và 20% lợi nhuận ròng vào năm 2019.

Bên cạnh đó Vĩnh Hoàn (VHC) đang tìm cách kiếm lời trên TTCK khi mà trên BCTC quý 2 đang có khoản đầu tư 190 tỷ đồng rót vào cổ phiếu, mới xuất hiện trên BCTC quý 2 năm nay. Trong đó, công ty đầu tư số tiền 87,3 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, 28,6 tỷ vào cổ phiếu FPT và 23,6 tỷ đồng vào cổ phiếu Hòa Phát.

Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã mở rộng vùng nuôi tôm với diện tích khoảng 81ha vào đầu năm 2020, vị trí bên cạnh vùng nuôi tôm cũ tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng, giúp nâng tổng diện tích nuôi tôm của FMC lên 270 ha (tăng 30% so với năm 2019). Tháng 05/2020, FMC đã hoàn thành công tác thả giống tại vùng nuôi này, dự kiến đến khoảng tháng 10/2020 sẽ bắt đầu thu hoạch.

Ngoài ra đầu năm 2020, kho lạnh 6.000 tấn của FMC đã đi vào hoạt động, kỳ vọng giúp công ty chủ động hơn trong công tác quản lý hàng tồn kho và tiết giảm chi phí lưu trữ. Kho lạnh tọa lạc tại khu công nghiệp An Nghiệp, nằm cạnh các nhà máy chế biến, thuận lợi cho công tác vận chuyển, hỗ trợ giữa các đơn vị, giúp nâng tổng công suất kho lạnh của công ty lên 10.000 tấn. Đáng chú ý FMC mới đây đã thông báo sản lượng tôm chế biến 2.268 và doanh số đạt 20,3 triệu USD trong tháng 7/2020 – Đây là tháng có sản lượng chế biến và doanh số cao nhất trong 25 năm hoạt động.

Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) hiện là một trong số ít các doanh nghiệp cá tra đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, hướng đến phát triển bền vững. IDI đang liên kết bền chặt cùng nông dân trong việc hình thành vùng nuôi cá tra nguyên liệu trên tinh thần đôi bên cùng có lợi với diện tích hơn 300 ha. Quy mô này được nâng lên nhanh chóng bởi trong tháng 07/2019 IDI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 03 với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Đây sẽ là một trong những nhà máy chế biến thủy sản hiện đại và hiệu quả nhất Việt Nam khi đưa vào hoạt động. Ước tính 2 năm sau đó, doanh số xuất khẩu của IDI sẽ tăng gần gấp đôi và lợi nhuận từ mảng này sẽ là điểm sáng hứa hẹn đáng mong đợi cho cổ đông của IDI.

Trước những khó khăn của năm 2020 Navico (ANV) đã tích cực đi vào chất lượng của chuỗi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giảm chi phí, đảm bảo được môi trường. Thúc đẩy dự án vùng nuôi sớm đi vào hoạt động nhằm hoàn thành chuỗi giá trị khép kín và nâng sản lượng xuất khẩu. Tìm kiếm thêm các khách hàng mới kết hợp với duy trì khách hàng hiện hữu để cải thiện thị phần cũng như thúc đẩy tăng trưởng của công ty.

CL-Fish (ACL) thực hiện định hướng lại thị trường xuất khẩu của công ty trong đó chú trọng vào việc củng cố thị trường truyền thống, đấu tranh với những rào cản thương mại bất hợp lý; tăng cường tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, khai thác nhiều thị trường mới hơn.

Chờ cú hích EVFTA

Với sự kiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được thực thi từ ngày 1/8, các chuyên gia trong ngành thủy sản nhận định sẽ là cú hích lớn cho ngành thủy sản, bởi đây là một hiệp định thế hệ mới mang tính toàn diện, đặc biệt về ưu đãi thuế quan.

Theo đó 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, 50% còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3 – 7 năm. Cá ngừ đóng hộp và cá viên áp dụng hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn. Một số mặt hàng đang chịu thuế cao được về 0% như: Tôm hùm (hiện đang áp thuế nhập khẩu ở mức 8-20%), thanh cua (đang áp thuế suất 14,2%), cá tuyết (đang áp dụng thuế suất 13%), tôm hồng (đang áp thuế suất 12%)…Các mặt hàng hàu, sò điệp, mực, cá bơn, hải sâm,… đang có mức thuế nhập khẩu từ 8-11% cũng sẽ được đưa về 0%, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu các mặt hàng thủy sản.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế XNK, tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên;…

Trần Dũng/Theo Trí thức trẻ. Nguồn : Cafef.vn