ĐBSCL: Khẩn trương bắt tay vào vụ tôm mới

Các tỉnh vùng ĐBSCL đang gấp rút bắt tay vào vụ tôm mới với nhiều cơ hội tốt về giá cả và thị trường xuất khẩu.

Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.
Thu hoạch tôm ở Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Bắt tay vào vụ

Năm 2021, ngành nông nghiệp Kiên Giang có kế hoạch thả nuôi 282 ngàn ha, sản lượng phấn đấu đạt 289 ngàn tấn. Trong đó, tôm nuôi nước lợ diện tích 136 ngàn ha, sản lượng tôm nguyên liệu 98 ngàn tấn. Các hình thức thả nuôi gồm, thâm canh – bán thâm canh 4 ngàn ha, tôm – lúa trên 104 ngàn ha, còn lại là nuôi quảng canh cải tiến.

Để có vụ tôm mới thắng lợi, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã có hướng dẫn về khung thời vụ thả giống tôm nước lợ 2021. Khuyến cáo người nuôi tôm cần tuân thủ đúng khung lịch thời vụ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. Thiết kế hệ thống nuôi hoàn chỉnh, thực hiện việc ương tôm giống trong ao ương, vèo lưới khoảng 3-4 tuần trước khi thả ra ao nuôi.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: Để có vụ tôm thắng lợi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang Ảnh: Trung Chánh.
Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang Ảnh: Trung Chánh.

Giám sát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản nhập tỉnh ngay từ đầu vụ. Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản và không để lây lan trên diện rộng nếu dịch bệnh xảy ra. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước, giám sát dịch bệnh thủy sản, kịp thời thông tin đến người nuôi để chủ động trong sản xuất.

Thị trường nhiều thuận lợi

Ông Trương Đình Hoè, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Ngành tôm năm 2021 sẽ có cơ hội ổn định sản xuất và xuất khẩu với điều kiện là không có dịch. Nhu cầu về tôm của thế giới rất ổn định và có xu hướng tăng, đây là cơ hội để tăng trưởng. Trung Quốc hiện nay vẫn có nhu cầu cao, trong năm 2021 sau khi họ giải quyết các vấn đề dịch bệnh sẽ trở lại bình thường. Hiện nay, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới kể từ năm 2019.

Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Nuôi tôm siêu thâm canh ở Trà Vinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Cơ hội tiếp theo đó là thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ ở mức thấp. Năm 2020, chúng ta đạt được mức xuất khẩu vào Hoa Kỳ hơn 850 triệu USD. Một lợi thế nữa là thuế quan trong các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam vừa ký kết. Đây là những yếu tố rất quan trọng thúc đẩy thị trường, đặc biệt là Châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam đã có hệ thống các chứng nhận bền vừng, đây là visa rất tốt để tăng trưởng về xuất khẩu.

Ông Hòe dự báo xuất khẩu thuỷ sản năm 2021 sẽ tăng 10% trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu tôm được đặt mục tiêu tăng khoảng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,4 tỷ USD. Để thực hiện được việc này cần các giải pháp hỗ trợ đầu vào, giảm giá thành nuôi tôm. Vận động doanh nghiệp và người nuôi thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện nay. Tăng quy mô chế biến sâu các sản phẩm và thực hiện chuỗi giá trị gia tăng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình ao nuôi có đánh số theo Luật Thuỷ sản hiện nay.

Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đã triển khai kỹ thuật, con giống và thức ăn cho hàng trăm hộ dân để áp dụng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ở Trà Vinh. Thời gian qua, ngành chức năng và người dân nuôi đã thấy mô hình mang lại hiệu quả cao. Với cách nuôi này tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh cho sản lượng từ 50 – 55 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha, cao gấp 3 lần so với nuôi tôm truyền thống ngoài ao đất.

LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam