Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành Thủy sản – Khó khăn sẽ kéo dài sang những tháng đầu năm 2023

Ngành thủy sản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023 khi nhu cầu bị đình trệ, đơn hàng sụt giảm. Tuy vậy, sự lạc quan có thể sẽ sớm trở lại với kỳ vọng thị trường Trung Quốc tái mở cửa sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành.

Kết quả xuất khẩu 2022 rất tích cực

Kết thúc năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mốc gần 11 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử xuất khẩu của ngành hàng này. Với kim ngạch xuất khẩu trên, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Theo VASEP dự đoán, nếu tình hình đơn hàng tích cực trở lại vào cuối quý 1/2023, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể đạt được 10 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam giai đoạn 2016-2023

(Đvt: Tỷ USD)

Nguồn: VASEP

Về cơ cấu mặt hàng thủy sản, xuất khẩu tôm vẫn đang chiếm tỷ trọng cao nhất khi mang về 4.3 tỷ USD; xếp thứ hai là xuất khẩu cá tra, đạt 2.5 tỷ USD; cá ngừ và hải sản khác lần lượt mang về 1 và 3.2 tỷ USD. Đây là “điểm sáng” trong bức tranh xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022.

Cơ cấu mặt hàng thủy sản xuất khẩu năm 2022

(Đvt: Tỷ USD)

Nguồn: VASEP

Khó khăn vào đầu năm 2023

Giai đoạn nửa cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý 4/2022.

Đà sụt giảm được dự báo sẽ còn kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý 1/2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ… mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam theo tháng

(Đvt: Triệu USD)

Nguồn: VASEP

Giá nguyên liệu đầu vào vẫn giữ ở mức cao

Giá nguyên liệu đầu vào, dù có sự chững lại nhưng vẫn neo ở mức cao. Trong thời gian tới, người viết nhận định giá nguyên liệu đầu vào có thể sụt giảm, tuy nhiên, lực giảm này là không đáng kể khi mặt bằng giá thức ăn chăn nuôi vẫn khá lớn.

Nguồn: VASEP

Kỳ vọng động lực tăng trưởng từ thị trường Trung Quốc

Hiện tại, thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này hiện chiếm tỷ lệ 87% nhập khẩu của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch vào đầu năm 2023 sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đây sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ sau khi mở cửa hậu COVID-19, cùng với vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.

Trong năm 2022, thị trường Trung Quốc – Hồng Kông là điểm sáng khi mang về trên 1.8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam, tăng 59% so với năm 2021, chiếm tới 16% trong tỷ trọng các thị trường chủ lực của Việt Nam 2022.

Tỷ trọng các thị trường chủ lực của Việt Nam 2021 (trong) và năm 2022 (ngoài)

(Đvt: Phần trăm)

Nguồn: VASEP

Cùng với đó, xuất khẩu thủy sản sang ASEAN sẽ tiếp tục khả quan và là kỳ vọng tăng trưởng cho ngành thủy sản trong năm 2023. Tính trong năm 2022, xuất khẩu sang các nước ASEAN vẫn giữ được đà tăng trưởng dương 27%. Khối thị trường này cũng đã đóng góp 790 triệu USD.

Những cổ phiếu tiêu biểu trong ngành

Các cổ phiếu đầu ngành như VHC, ANV hay MPC sẽ là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư khi có lợi thế cạnh tranh về thị phần xuất khẩu và quy mô sản xuất lớn. Trong đó, nổi bật nhất là CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) khi doanh nghiệp này vừa có vốn hóa thị trường lớn nhất và đồng thời cũng có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân thuộc nhóm cao nhất ngành.

Nguồn: vietstock