Hàng trăm hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở TP.Móng Cái (Quảng Ninh) đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay vì “cửa” bán hàng sang Trung Quốc đang tắc nghẽn. Nhiều hộ là điển hình nuôi tôm trên cả nước trước đây, nay cũng phải giảm quy mô, sản xuất cầm chừng, hàng trăm ao nuôi bỏ mặc không chăm sóc, phơi dưới nắng mưa…
Nhiều năm nay, tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.Móng Cái, trong đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là nước láng giềng Trung Quốc. Từ việc phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ gia đình ở Móng Cái đã đổi đời, không ít hộ trở thành tỷ phú.
Hiện nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở Móng Cái chỉ nuôi cầm chừng. Ảnh: Nguyễn Quý.
Nhưng từ ngày 16/6/2019 đến nay, Trung Quốc có những thay đổi trong danh mục sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Trong đó, nước này chỉ cho nhập khẩu tôm thẻ chân trắng đông lạnh của Việt Nam, còn tôm thẻ chân trắng ướp đá không còn trong danh mục vào thị trường Trung Quốc. Sự thay đổi này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nói riêng, nuôi tôm ở Móng Cái nói chung.
Theo ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội nghề cá TP.Móng Cái, hiện nay hầu hết các cơ sở nuôi tôm ở Móng Cái đều phải giảm diện tích nuôi, 90% sản phẩm tôm bán trong thị trường nội địa.
“Nếu tôm nuôi đạt đến kích cỡ 40-50 con/kg, bán sang Trung Quốc sẽ được 160.000 – 170.000 đồng/kg, nhưng bán ra thị trường nội địa chỉ đạt 130.000 đồng/kg. Ngoài chuyện giá bán thấp hơn, bà con còn phải chống chọi với dịch bệnh nên phần nhiều tôm thu hoạch vẫn chưa đạt kích cỡ. Với tôm loại 100 con/kg, bán cho các nhà máy chế biến chỉ đạt 70.000 đồng/kg, trong khi trước đây tôm loại này xuất bán cho Trung Quốc vẫn đạt 120.000 – 130.000 đồng/kg. Việc “hụt hơi” về giá cả như thế này khiến bà con nuôi tôm rất lo lắng” – ông Liêm nói.
Tôm xuất bán cho thị trường nội địa hiện tại chủ yếu là loại 100 con/kg, với giá bán rất rẻ chỉ từ 60.000-80.000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Quý.
Cũng là hộ nuôi tôm lớn nhất nhì Móng Cái, thời điểm hiện tại ông Bùi Ngọc Liêm không dám thả thêm giống mới, chỉ còn lại số tôm cũ rơi rớt bán lại. Lý do, theo ông Liêm: “Thứ nhất do trái vụ, tôm nuôi không được an toàn. Thứ hai là tôm nhiều khả năng không đạt đến kích cỡ 40-50 con/kg, bán cho các nhà máy chỉ được giá 60.000-80.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ vốn”.
Hiện tất cả các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đều phải có mã cơ sở nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan quản lý Việt Nam cấp.
Tuy nhiên, trong tổng số hơn 1.100 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của TP.Móng Cái, hiện mới chỉ có 1 cơ sở đăng ký được cấp giấy chứng nhận đảm bảo quy định trên. Số còn lại còn chưa nắm rõ quy định, vẫn còn tư duy chủ quan, nên không đáp ứng được các điều kiện xuất tôm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm bị tồn đọng, thương lái thu mua với mức giá thấp.
Một hộ nuôi tôm điển hình khác là bà Đặng Thị Dịu (khu 7, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái) cũng đang lâm vào cảnh rất khó khăn. Bà Dịu cho biết: Thời điểm này hằng năm, gia đình tôi đã xuất bán hết tôm đi thị trường Trung Quốc; nhưng năm nay do quy định về xuất khẩu chặt chẽ hơn nên việc tiêu thụ hơn 25 tấn tôm vụ nuôi xuân hè phải cầm chừng để tìm thị trường tiêu thụ nội địa. Năm nay, nói chung các hộ nuôi tôm rất khó khăn về xuất bán, đều bị thất thu vì giá bán quá rẻ, không đủ bù đắp chi phí đầu tư, nói gì đến lợi nhuận”.
Vụ xuân hè năm nay, TP.Móng Cái đưa vào nuôi trên 1.100ha tôm thẻ chân trắng, hiện đã thu hoạch xong, với tổng sản lượng đạt gần 2.100 tấn. Đây là đợt thu hoạch cuối cùng của vụ nuôi tôm thẻ chân trắng xuân hè 2019 của nhiều hộ gia đình.Theo tính toán, cứ 1ha nuôi tôm thương phẩm cho sản lượng 20-25 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg thì các hộ nuôi sẽ thiệt hại từ 500-600 triệu đồng/ha. |
(Nguồn Dân Việt)